Trong nước

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến quy trách nhiệm nhà vệ sinh "bốc mùi" cho giám đốc BV

Tại hội nghị giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện sáng 18-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phản ứng gay gắt về tình trạng nhiều bệnh viện để xảy ra tình trạng nhà vệ sinh bệnh viện “bốc mùi”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hầu như lần nào đến các bệnh viện (BV), trạm y tế xã, phường, bà cũng kiểm tra nhà vệ sinh BV. Nhiều BV tỉnh không có xà bông rửa tay, dù đó là phòng vệ sinh của nhân viên y tế.

"Sau cuộc họp này, tôi đề nghị giám đốc BV phải chấn chỉnh ngay khu vực nhà vệ sinh BV. Bởi nơi nào còn nhà vệ sinh bẩn thì kết luận giám đốc BV, trưởng khoa đó ở bẩn. Nhà vệ sinh bẩn (mức 1 và 2) thì không thể đạt điểm chất lượng cao. Coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng (coi như điểm liệt) nếu nhà vệ sinh mức 1, mức 2 thì chất lượng xếp loại kém"- bộ trưởng nhấn mạnh.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết hiện nay tiêu chí nhà vệ sinh được chia làm 5 mức từ mức 1 đến mức 5, tương ứng với chất lượng "rất tệ" đến mức "sạch sẽ 5 sao". Theo khảo sát của Bộ Y tế 2017 trên các cơ sở y tế toàn quốc, nhà vệ sinh ở mức "5 sao" chỉ đạt 2,1%; mức 4 là 32,98%; mức 3: 46%; còn mức chưa đạt là 1 và 2 là: 2 và 17%.

Nhà vệ sinh ở nhiều BV luôn là nỗi ám ảnh của người bệnh

Cũng theo khảo sát của Bộ Y tế về sự hài lòng của người bệnh, vẫn còn có tới 21% người bệnh phàn nàn về chất lượng BV trong đó chủ yếu là nhà vệ sinh "bốc mùi" và thời gian chờ khám. Đáng lưu ý, người bệnh kém hài lòng nhất về tiêu chí nhà vệ sinh BV, với điểm hài lòng chỉ đạt 3,58 điểm/5 điểm khác trong khi những tiêu chí khác như: kết quả điều trị, giường bệnh, thái độ giao tiếp đều đạt trên 4 điểm... Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng "hứa" với Bộ trưởng Bộ Y tế thời gian tới sẽ cải thiện chất lượng nhà vệ sinh BV.

Nói về thời gian chờ khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng người bệnh vẫn còn phải chờ quá lâu. Đơn cử như một người khám lâm sàng trung bình tổng thời gian khám là 66,5 phút nhưng thời gian chờ khám lên tới 45,4 phút. "Có hôm tôi theo một người con đưa mẹ đi khám bệnh, từ lúc nộp hồ đưa mẹ vào đến khám, chờ kết quả xét nghiệm, đi siêu âm, chụp chiếu... Nếu chờ kết quả xét nghiệm sau đó lại phải siêu âm thì bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết vì đói"- bộ trưởng nói.

Tác giả: D.Thu

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP