Sô cô la Việt chinh phục thế giới
Dù không trực tiếp trồng ca cao nhưng các nước châu Âu lại là cái nôi của sô cô la như Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ… Tuy nhiên, trong những năm gần đây thị trường bánh kẹo và thực phẩm cao cấp này xuất hiện một cái tên hoàn toàn xa lạ “sô cô la VN”. Đáng nói là sô cô la VN lại được xem là một trong những loại sô cô la ngon nhất thế giới và ngày càng nổi danh.
“Không chỉ người châu Âu mà cả các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… cũng rất thích sản phẩm sô cô la của VN. Nhiều du khách, bạn bè nước ngoài đến VN đều hỏi mua mang về làm quà”, chị Phan Thị Phương Thanh, Trưởng phòng Marketing Công ty Puratos Grand - Place Indochina (PGPI), nói đầy tự hào. PGPI là một công ty thành viên của Tập đoàn Puratos Grand - Place (Bỉ), chuyên về sô cô la, bánh mì, bánh ngọt và đang sản xuất sô cô la VN xuất khẩu nói trên.
Có lẽ nhiều người Việt sẽ sửng sốt nếu biết rằng “Sô cô la Marou” - sản phẩm được cho là ngon và đắt nhất thế giới (cụ thể đắt gấp 8 lần so với những loại sô cô la phổ biến ở Nhật) lại là… hàng “made in Vietnam”. Các dòng sản phẩm của nó thậm chí còn có tên thuần Việt là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bến Tre.
Các hãng thông tấn và tờ báo lớn trên thế giới như Bloomberg, Nikkei, The New York Times… cũng viết về “hiện tượng” Sô cô la Marou. Thương hiệu này ra đời tại TP.HCM cách đây vài năm, thuộc đồng sở hữu và sáng lập là Sam Maruta - người Pháp gốc Nhật và Vincent Mourou - người Pháp. Sản phẩm được xuất đi các thị trường khó tính và có truyền thống lâu đời nhất về sô cô la thế giới như: Pháp, Mỹ, Anh, Bỉ, Thụy Sĩ…
Hai ông chủ của Sô cô la Marou vốn làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Họ đến VN và nhận ra ở các quốc gia sô cô la phát triển như một ngành công nghiệp nhưng phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước châu Phi, Mỹ Latin và châu Á. VN có vùng nguyên liệu tốt nhưng chỉ bán hạt thô. “Tại sao không thử hoàn thành cả chu trình hạt ca cao đến thành phẩm sô cô la”. Vậy là năm 2011 họ bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm để làm ra sản phẩm sô cô la ngon nhất thế giới từ những hạt ca cao VN.
Vì sao sô cô la VN lại tạo ấn tượng với người châu Âu và những người sành về sô cô la như vậy? Chị Thanh giải thích sản phẩm của VN có hương trái cây và vị thanh rất đặc trưng, rất khác biệt so với sô cô la truyền thống. Sô cô la truyền thống được làm từ hạt ca cao của Bờ Biển Ngà và các nước châu Phi. Còn sự khác biệt của sô cô la VN một phần là do yếu tố thổ nhưỡng và phần còn lại từ cách lên men tự nhiên để tạo nên sự độc đáo.
Ông Gricha Safaria, Tổng giám đốc PGPI, cho biết: “Sản phẩm ca cao VN được chúng tôi xuất khẩu đi khắp thế giới kể cả các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Nhật, Mỹ… với 2 loại sản phẩm là sô cô la hương vị trái cây và sô cô la truyền thống. Mô hình đang xây dựng ở VN là mô hình kiểu mẫu của cả tập đoàn. Chúng tôi sẽ đưa mô hình này phổ biến trên toàn cầu - ở những nơi mà chúng tôi có mặt, kể cả Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao số 1 thế giới hiện nay”. Nghịch lý là, theo ông Gricha Safaria: “Sô cô la VN dễ dàng chinh phục khách hàng thế giới và ở ngay cả những nơi được xem là quê hương sô cô la vì hương vị thật sự khác biệt của nó, thì khách hàng khó chinh phục nhất của chúng tôi lại chính là người Việt”.
Người Việt vẫn ngoài cuộc
Cây ca cao được trồng chủ yếu ở ĐBSCL gồm các tỉnh như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long; miền Đông Nam bộ: Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước và Tây nguyên như: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai. Sản lượng (hạt khô) ước tính 5.000 - 6.000 tấn/năm. Trong đó Bến Tre là địa phương trồng nhiều nhất. Đáng nói là với giá trị, lợi thế như nói trên nhưng nhiều năm qua cây ca cao luôn bị lép vế trước những cây trồng khác, thậm chí nhiều nông dân trồng rồi lại chặt vì đầu ra không ổn định.
Trong khi đó, bài học từ sự thành công của PGPI chính là đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của mình và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị từ hạt ca cao (người nông dân) đến chế biến và xây dựng thương hiệu. Đây là bài học và cách làm mà cả chục năm qua người Việt vẫn loay hoay. Và hệ quả là lĩnh vực ca cao, đầu ra đang phụ thuộc vào doanh nghiệp (DN) FDI.
Câu chuyện này cũng như câu chuyện của ngành cà phê khi VN là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng có đến 90% cà phê rang xay, chế biến xuất khẩu thuộc các DN FDI. Họ cũng đang đầu tư mạnh vào các lĩnh vực rau, hoa… những thứ có tiềm năng phát triển rất lớn. Trong khi đó, các DN nội hầu như vắng bóng trong các “kho vàng” mới của ngành nông nghiệp VN.
Theo các chuyên gia, DN Việt không thể mãi đứng ngoài mỏ vàng nâu này, nhưng để làm được cần có sự hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách, tài chính. Ngoài ra, không thể thiếu câu chuyện về đất đai, quy mô sản xuất… Chỉ có như vậy, DN Việt mới hy vọng tham gia vào chuỗi giá trị mà lợi thế nằm trong chính tay mình, chứ không phải nhường sân cho khối ngoại như hiện này.
Không chỉ người châu Âu mà cả các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... cũng rất thích sản phẩm sô cô la của VN. Nhiều du khách, bạn bè nước ngoài đến VN đều hỏi mua mang về làm quà Chị Phan Thị Phương Thanh, Trưởng phòng Marketing – PGPI |
Thị trường ca cao thế giới phân thành 2 loại: ca cao thông thường (Bulk Cocoa) và ca cao chất lượng tốt (Fine flavor). Fine flavor được ICCO (Tổ chức Ca cao thế giới) chứng nhận thông qua các bước kiểm định về chất lượng nên giá bán luôn cao hơn 5 - 10% so với giá sàn tại thị trường London và New York. Năm 2015, PGPI phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn VN gửi hạt ca cao VN lên ICCO. Tổ chức này đã cấp chứng nhận Fine Flavor (40%) cho ca cao VN. Trước đó năm 2013, hạt ca cao VN còn đoạt giải thưởng hạt ca cao xuất sắc tại cuộc thi Cocoa of Excellence do Tổ chức Ca cao quốc tế (ICA) tổ chức 2 năm một lần. Nguyễn Trực (tổng hợp) |
Tác giả bài viết: Chí Nhân
Nguồn tin: