Giáo dục

Bộ GD&ĐT: Tiếp tục ưu tiên những gì tốt nhất cho lớp 1

Giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị. Cùng dự tại các điểm cầu ở 63 tỉnh/thành phố có lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ, lãnh đạo và cán bộ Sở GDĐT các tỉnh.

Trọng tâm của Hội nghị Sơ kết là đánh giá tình hình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới đối với lớp 1 sau một học kỳ triển khai; nhiệm vụ và giải pháp của học kỳ 2 để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình.

Những học sinh lớp 1 đáng yêu trong ngày khai trường (Ảnh: minh họa)

Học sinh tự tin, giáo viên hào hứng

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết năm học 2020-2021 là năm đầu tiên cả nước áp dụng CT GDPT mới, bắt đầu đối với lớp 1. Các địa phương trước đó đã tích cực sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp để tạo thuận lợi cho triển khai chương trình.

Trung bình toàn quốc tỷ lệ phòng học/lớp là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%. Tỉ lệ phòng học tạm, mượn đã giảm đáng kể. Cô trò lớp 1 năm nay không còn cảnh dạy và học trong các phòng học ghép lớp. Phòng học mới dù diện tích nhỏ nhưng cũng đủ đầy các điều kiện học tập.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị

Đội ngũ giáo viên được sắp xếp cơ bản đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới. Toàn quốc hiện có 406.636 giáo viên cấp tiểu học, tăng gần 6.140 giáo viên so với năm học trước; tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học cũng tăng lên, đạt mức 1,41 giáo viên/lớp. Các giáo viên được lựa chọn giảng dạy cho lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình mới năm nay đều là các thầy cô có trình độ năng lực chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm. 100% giáo viên trước khi đứng lớp dạy lớp 1 đều được tập huấn về chương trình, sách giáo khoa mới.

Chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những điều kiện chủ quan khác, nên việc triển khai CT GDPT 2018 bước đầu có những khó khăn nhất định. Trước tình hình đó, Bộ GDĐT cùng ngành giáo dục các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ nhà trường, giáo viên.

Theo đó, Bộ GDĐT đã chỉ đạo việc tăng cường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở và trình độ nhận thức, tâm lý sinh lứa tuổi của học sinh lớp 1; hướng dẫn các nhà trường sử dụng ngữ liệu dạy học trong sách giáo khoa lớp 1 phù hợp với học sinh. Những ngữ liệu không phù hợp trong một số sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đã được Bộ chỉ đạo kịp thời điều chỉnh.

"Kiểm tra, khảo sát ở một số địa phương cho thấy, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn. Giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nề nếp dạy học sau một thời gian khó khăn đã bước đầu ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, sách giáo khoa mới", TS Thái Văn Tài nói.

Đại diện các Sở GDĐT trao đổi tại Hội nghị sơ kết cũng cho biết, học sinh lớp 1 năm nay tự tin, tự chủ hơn trong giao tiếp. Các năng lực về ngôn ngữ (đọc - viết Tiếng Việt) và tính toán của các em cũng phát triển nhanh hơn so với lứa học sinh lớp 1 các năm trước. Hết học kỳ 1, cơ bản học sinh đã có thể đọc trơn, một số em đã đọc thành thạo được văn bản. Kết quả kiểm tra định kỳ học kỳ 1 hai môn Toán và Tiếng Việt của học sinh lớp 1 cho thấy, hầu hết học sinh đạt mức hoàn thành và hoàn thành tốt.

"Lần đầu tiên thực hiện CT GDPT mới trong một năm học có nhiều bất thường, biến động, nhưng chúng ta đã rất bản lĩnh. Dù bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng đến giờ kết quả đã khá yên tâm", Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng Vũ Văn Trà nhận định.

Từ thực tế triển khai tại địa phương, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh cho hay: Chương trình, sách giáo khoa mới được giáo viên đánh giá là dễ dạy hơn. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục khiến học sinh và giáo viên hào hứng, vui vẻ, hiệu quả giờ học theo đó cũng tăng lên.

Tiếp tục ưu tiên những gì tốt nhất cho các lớp tiếp theo

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, giáo viên, các nhà trường, các địa phương trong việc biến những khó khăn ban đầu thành điều kiện, cơ hội và quyết tâm cao để mang lại những tín hiệu tích cực trong triển khai CT GDPT 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị

Từ kinh nghiệm của học kỳ 1, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả chương trình trong học kỳ 2. Trong đó, tích cực thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá mới để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh; quan tâm đến các hoạt động/môn học mới; và tiếp tục ưu tiên những gì tốt nhất cho lớp 1.

"Quan tâm đầu tư cho lớp 1 sau này chúng ta sẽ được hưởng lợi. Học sinh có nền móng vững vàng từ lớp đầu cấp sẽ thuận lợi và học tập hiệu quả ở các lớp, các cấp học tiếp theo. Quan điểm dành những gì tốt nhất cho lớp 1 không chỉ áp dụng cho riêng năm nay, mà những năm tiếp theo khi triển khai CT GDPT mới cho lớp 2, lớp 3…, chúng ta vẫn cần ưu tiên những gì tốt nhất cho học sinh của lớp học nền móng này", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Thứ trưởng cũng lưu ý, các Sở chỉ đạo nhà trường tích cực thực hiện hiệu quả công văn 4612 hướng dẫn việc dạy học chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, để giáo viên làm quen với chương trình mới. Riêng học sinh lớp 5 cần đặc biệt quan tâm chuẩn bị tâm thế để các em bước vào lớp 6 học theo CT GDPT mới. Bộ GDĐT đã rà soát để bổ sung một số nội dung cho chương trình lớp 5 và bắt đầu từ học kỳ 2 các trường sẽ bố trí linh hoạt việc dạy nội dung bổ sung này.

Năm học 2021-2022 việc thực hiện CT GDPT mới sẽ tiến hành với lớp 2 nên các trường tiểu học, các địa phương cần tích cực chuẩn bị tiếp các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. "Hiện nay, các trường đều đã có danh sách giáo viên dạy lớp 2 ở năm học tới; tôi đề nghị phát huy kinh nghiệm của lớp 1 để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho đội ngũ này. Để làm được điều này, các nhà trường, địa phương cần tổ chức tập huấn kỹ lưỡng về chương trình, sách giáo khoa mới để giáo viên làm quen và từ đó thực hiện hiệu quả", Thứ trưởng lưu ý.

Về phía Bộ GDĐT, Thứ trưởng cho biết, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt để chậm nhất cuối tháng 3 sẽ phê duyệt tài liệu và tiến hành tập huấn các modul tiếp theo cho giáo viên. Thời gian tập huấn sẽ diễn ra trong hè để không ảnh hưởng đến quá trình dạy học và thuận lợi cho giáo viên. Hệ thống văn bản liên quan đến công tác bồi dưỡng giáo viên và triển khai chương trình mới sẽ tiếp tục được Bộ GDĐT hoàn thiện, ban hành.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp và đã ảnh hưởng trực tiếp đến không ít trường tiểu học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, các địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Dù hệ thống an toàn trong trường học đã được "kích hoạt" ở mức cao nhưng giáo viên, các nhà trường không chủ quan; tiếp tục tăng cường phòng chống dịch và thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

"Vạn sự khởi đầu nan, lớp 1 đầu tiên khai thông và hiện thực hóa một chủ trương lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội nhưng chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra với kết quả tích cực ban đầu. Học kỳ 2 này, tôi mong muốn và hy vọng các thầy cô tiếp tục phát huy tinh thần, sự quyết tâm để hoàn thành năm học đầu tiên triển khai CT GDPT mới hiệu quả tích cực", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Tác giả: Thu Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: lớp 1 , bộ GD&ĐT , học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP