Chiều 25-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hải Phòng tổ chức họp báo thông tin về nội dung Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Ông Đõ Quý Doãn công bố Nghị quyết 45 của Bộ chính trị |
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Doãn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, thông báo ngày 24-1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết 45 - NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng. Theo ông Doãn, đây là một tin rất vui với TP Hải Phòng.
Trước đó, từ năm 2003, sự phát triển của TP Hải Phòng bám sát nội dung Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị khóa IX, về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, kinh tế TP Hải Phòng tăng trưởng khá cao, bình quân gấp 1,68 lần mức tăng chung của cả nước. Năm 2017, quy mô kinh tế cao gấp 4,27 lần so với năm 2003, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP) đạt 3.694 đô la Mỹ, gấp 1,54 lần bình quân chung của cả nước, tăng 5,43 lần so với năm 2003. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.
Hải Phòng đã là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; với hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực. Hải Phòng đã có nhiều đóng góp cho phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Nghị quyết 32 đã không còn phù hợp với thực tế phát triển của Hải Phòng.
Với Nghị quyết 45, quan điểm của Bộ Chính trị là xây dựng Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên hệ với các tỉnh ven biển Bắc bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía bắc và quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng của tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà phải là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt các tiêu chí đô thị loại I, trọng điểm kinh tế cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia… Hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía bắc sông Cấm, xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực.
Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành quận. Tỉ trọng GDP đạt 8,2% cả nước và 28,3% vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Tăng trưởng GRDP bình quân trong giai đoạn 2026 - 2030 thấp nhất là 12,5%, GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD. Thu ngân sách đạt 300.000 - 310.000 tỉ đồng.
Bộ Chính trị cũng đề ra tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng sẽ trở thành đô thị có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Tác giả: Trọng Đức
Nguồn tin: Báo Người lao động