|
Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã khai mạc hôm qua, 25-12, với phần công việc đầu tiên là lấy phiếu tín nhiệm đối với từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
“Có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ”
Trong phần phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội là một chủ trương mới, đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã đề ra. Công việc này được triển khai ở khóa trước và mới đây Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Các hoạt động như vậy được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ.
Tại Hội nghị Trung ương 9 này, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Mục đích là nhằm giúp người được lấy phiếu “tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Triển khai nội dung làm việc này, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đọc tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm của trung ương với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sau đó, các ủy viên trung ương về các tổ thảo luận báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; nghiên cứu các tài liệu và thực hiện việc bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm với từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - những chức danh do trung ương bầu và phải chịu trách nhiệm trước trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc và quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra thế nào?
Như chúng tôi đã đề cập, việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội bắt đầu được triển khai từ khóa trước, sau Đại hội XI. Từ kết quả của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 262 làm cơ sở cho công việc quan trọng này.
Ở cấp cao nhất, theo quy định này, Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và trưởng các ban đảng ở trung ương là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì lấy phiếu tín nhiệm từ các ủy viên trung ương. Với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác mà đồng thời giữ chức danh nhà nước do Quốc hội bầu, phê chuẩn thì còn lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội theo luật định.
Nội dung lấy phiếu tín nhiệm được phân theo hai nhóm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn. Trong hai nhóm này đều có tiêu chí về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trục lợi cá nhân; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con về đạo đức, lối sống, chấp hành pháp luật; công tác giải quyết đơn thư, khiếu tố trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.
Giống như lấy phiếu tín nhiệm tại cơ quan dân cử, việc đánh giá tín nhiệm trong Ban Chấp hành Trung ương được thể hiện tập trung qua phiếu, được thiết kế sẵn theo ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, theo Quy định 262 của Bộ Chính trị, trước hết là “để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ”.
Ngoài ra, với các trường hợp có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ “được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn và bố trí, sắp xếp công tác phù hợp”. Trường hợp xấu hơn, có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì “cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”.
Phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm
Thông thường, mỗi năm trung ương tiến hành hai lần hội nghị. Nhưng năm nay, đây là lần thứ ba trung ương nhóm họp. Điều chỉnh này, theo giải thích chính thức tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị Trung ương 8 tuần đầu tháng 10 là để trung ương có thêm thông tin tham khảo từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Nhưng đây cũng chỉ là một kênh thông tin tham khảo. Nguồn tin am hiểu công tác lấy phiếu tín nhiệm trong trung ương cho biết:
“Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều tự kiểm điểm và có báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình. Trong báo cáo đó đều mổ xẻ chi tiết từng lĩnh vực, nhóm nhiệm vụ cụ thể mà qua đối chiếu đều có thể liên hệ tới cá nhân các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công phụ trách. Tất cả đều được gửi cho trung ương. Đến Trung ương 9 này cũng vậy. Trong năm giữa nhiệm kỳ thì có bản kiểm điểm cuối năm của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kèm theo đó là kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của từng ủy viên. Đấy là các tài liệu chính thức”.
Ngoài ra, theo nguồn tin này, “từng ủy viên trung ương đều có tìm hiểu, đánh giá riêng về các đồng chí mà mình bầu ra”.
Về cách thức, phương pháp lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ của khóa XII này, nguồn tin cho hay có những điều chỉnh để phát huy tốt hơn tinh thần dân chủ, trách nhiệm ở từng ủy viên trung ương.
“Tất cả ý kiến đóng góp lớn nhỏ, không cần biết người góp ý là ai… đều được tập hợp để Bộ Chính trị họp, giải trình” - nguồn tin cho hay.
Lấy phiếu tín nhiệm 21/24 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Tổng số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hiện tại là 24 người. Tuy nhiên, lần lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ này chỉ áp dụng với 21 vị, gồm 16 thành viên Bộ Chính trị và năm thành viên Ban Bí thư. Ba trường hợp không đủ điều kiện lấy phiếu gồm Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh do đang nghỉ chữa bệnh dài ngày. Hai bí thư Trung ương Đảng là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn mới được bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9-5, chưa đủ thời gian công tác nửa nhiệm kỳ để đánh giá tín nhiệm theo quy định. |
Tác giả: NGHĨA NHÂN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM