Giáo dục

Bỏ bộ chủ quản đại học, bắt đầu từ đâu?

Bộ GD&ĐT đang xây dựng Đề án trình Chính phủ thí điểm bỏ bộ chủ quản đối với 3 trường ĐH là trường ĐH Kinh tế TPHCM, trường ĐH Kinh tế quốc dân và trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, chính lãnh đạo một trong ba trường ĐH nói trên thừa nhận, chưa thể mường tượng hết những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện đề án này, thực tế vướng đến đâu sẽ gỡ đến đó.

Sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.

Chưa định hình được hướng đi cụ thể

Là một trong ba trường được chọn thí điểm bỏ bộ chủ quản đồng thời là trường kỹ thuật duy nhất, PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết chủ trương bỏ bộ chủ quản không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ lâu.

Cụ thể, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 có xác định giải pháp đổi mới cơ chế quản lý: “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”. Nhưng đến giai đoạn hiện nay Bộ GD&ĐT mới chính thức đưa vào thực hiện thí điểm.

Theo PGS. Trần Văn Tớp, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thành lập một tổ công tác để nghiên cứu và viết đề án. “Khi trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77 năm 2016, chúng tôi mất 2 tháng để viết đề án. Tuy nhiên, ngày đó có thuận lợi là đã có một số trường ĐH được tự chủ trước nên có thể tham khảo kinh nghiệm. Nhưng với việc không còn bộ chủ quản, do quá mới ở Việt Nam nên chúng tôi chủ yếu học tập kinh nghiệm từ nước ngoài. Việc viết đề án có lẽ sẽ mất thời gian hơn so với đề án tự chủ trước đây” – PGS. Tớp chia sẻ với Tiền Phong.

Ông cũng cho biết trường chưa thể mường tượng hết những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện đề án này. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã có buổi làm việc với ba trường ĐH được giao thí điểm, nhưng PGS. Tớp cho hay, trường khá bỡ ngỡ với chủ trương không còn bộ chủ quản. Nguyên nhân do chưa có kinh nghiệm từ thực tế. Chính vì vậy, PGS. Tớp cho rằng chỉ khi đi vào thực tế, những vướng mắc mới phát sinh, và lúc đó vướng đến đâu sẽ gỡ đến đó.

Hiện tại, hai ĐH quốc gia không có bộ chủ quản từ năm 1995, trường ĐH Dệt may cũng thoát khỏi cơ quan chủ quản là tổng công ty may từ mấy năm nay. Nhưng việc bỏ bộ chủ quản với hai ĐH quốc gia khác với ba trường thực hiện thí điểm sắp tới.

PGS. Tớp cho biết, khi thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77, trường đã được cởi trói rất nhiều. Tuy nhiên, khi vẫn còn cơ quan chủ quản thì vẫn còn sự ràng buộc, can thiệp. Vì vậy, khi không còn bộ chủ quản, trường hoạt động độc lập hoàn toàn, thủ tục hành chính sẽ giảm, không còn phải trình ba cấp nên sẽ thuận lợi hơn.

“Ví dụ trường sẽ được tự quyết trong đầu tư công, trong quản lý, bổ nhiệm nhân sự, trong tự do học thuật. Thậm chí, khi bỏ bộ chủ quản, trường có thể trực tiếp làm việc với các bộ ngành liên quan mà không cần phải thông qua Bộ GD&ĐT như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề là các luật và văn bản dưới luật khác phải đi kèm như thế nào để không gây khó dễ cho các trường khi tự chủ” – PGS. Trần Văn Tớp nói.

Giảm quyền lực hiệu trưởng

Về phía mình, Bộ cho biết, điều kiện thí điểm thực hiện cơ chế không có Bộ chủ quản đối với một số trường đại học trực thuộc Bộ phải đạt các điều kiện: Các cơ sở giáo dục ĐH đã được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ hoặc đã tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; Hội đồng trường đã được thành lập theo quy định và hoạt động hiệu quả, ổn định; Đã đạt kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH; Có đề án thí điểm hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản.

Khi bỏ cơ quan chủ quản với các trường trực thuộc, Bộ GD&ĐT chỉ còn vai trò quyết định thành lập Hội đồng trường (trong đó có 01 đại diện của Bộ GD&ĐT), bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường và thực hiện chế độ đối với Chủ tịch Hội đồng trường (nâng lương thường xuyên, nâng lương trước kỳ hạn sau khi xin ý kiến Bộ Nội vụ, nghỉ hưu, kỷ luật, khen thưởng).

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi không còn bộ chủ quản, Hội đồng trường sẽ có “thượng phương bảo kiếm” trong tay. Hội đồng trường quyết định tất cả mọi vấn đề của trường, từ bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, đến vấn đề đào tạo, nhân lực của trường cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ của trường.

GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ điều này. Vì có tự chủ thì giáo dục ĐH mới có chất lượng. Riêng về tổ chức, GS. Thiệp khẳng định khi bỏ bộ chủ quản, cần xác định quyền bầu hiệu trưởng trong tay ai.

Theo GS. Thiệp, để có tự chủ, phải nâng cao vai trò của Hội đồng trường. Quyền lực thực sự phải nằm trong tay hội đồng trường, không phải trong tay của bộ chủ quản. Bộ chủ quản có thể có một người trong hội đồng trường để đóng góp ý kiến, không phải Bộ quyết định mọi việc của trường.

GS. Thiệp cho rằng trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung, Bộ GD&ĐT đã cố gắng nâng cao vai trò của Hội đồng trường. Hội đồng trường có quyền đề cử, đề nghị miễn nhiệm hiệu trưởng. Nhưng vẫn còn ràng buộc là đề nghị xong thì trình lên cơ quan cấp có thẩm quyền phê chuẩn. GS. Thiệp đưa ra đề xuất, phải có sự thay đổi đồng bộ từ các văn bản và luật khác.

“Hiện nay, tuy các trường được tự chủ nhưng có những luật khác lại quy định không đồng bộ. Do đó, phải có sự thay đổi. Có thể nói muốn trường ĐH Việt Nam có chất lượng thì phải tự chủ. Kèm với tự chủ là tự do học thuật. Cái này ở Việt Nam còn yếu” – GS. Lâm Quang Thiệp nói.

PGS. Trần Văn Tớp cho biết, theo kế hoạch, tháng 8 tới 3 trường ĐH được giao thí điểm bỏ bộ chủ quản phải xây dựng xong đề án và trình lên các cấp thẩm quyền. Sau đó trình Chính phủ xem xét. Phấn đấu ít nhất có 1 trường trong 3 trường được bỏ bộ chủ quản trong năm 2018.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP