Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 26/5, Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã trải qua 24 ngày trong đợt dịch thứ 3 trên địa bàn thành phố, có những thăng trầm nhất định. Có ngày lên số ca mắc COVID-19 rất cao, nhưng 8 ngày nay thì Đà Nẵng chỉ có 1 đến 2 ca, trong đó chỉ có 1 ca trong cộng đồng, đó là kết quả rất tích cực.
Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm
Ông Quảng đề nghị đẩy nhanh tốc độ, hoàn thiện xét nghiệm trong các khu công nghiệp và trong hộ gia đình theo kế hoạch đã đưa ra.
“Tăng tốc xét nghiệm và coi đây là biện pháp cơ bản nhất để chúng ta sàng lọc, phát hiện các ca dương tính cũng như khẳng định sạch COVID-19 trong cộng đồng. Tôi đề nghị tiếp tục xét nghiệm lần 2 cho khu công nghiệp An Đồn, còn các khu công nghiệp khác thì không xét nghiệm lần 2. Chúng ta không xét nghiệm lần 2 mà phải giao cho các chủ doanh nghiệp chứ không có chuyện chúng ta làm cho các doanh nghiệp nữa”, ông Quảng nói.
Bí thư Nguyễn Văn Quảng yêu cầu giữ vững công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, xem đây là mặt trận quan trọng. |
“Chúng ta không rơi vào bối cảnh như Bắc Giang nên chúng ta không thấy được cái sự đau xót, khủng hoảng. Vì vậy, chúng ta phải giữ chặt mặt trận này. Không giữ được các khu công nghiệp thì chúng ta sẽ vỡ trận, mà vỡ trận thì xin thưa là hậu quả vô cùng lớn. Một chuỗi sản xuất mà phải dừng thì nó không chỉ ảnh hưởng đến quốc gia mà nó là vấn đề quốc tế”, Bí thư Đà Nẵng nêu.
Bí thư Đà Nẵng yêu cầu tiếp tục siết chặt các khu cách ly tập trung và các khu phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19.
Ông Quảng yêu cầu ngành y tế và các khu công nghiệp trong ngày 27/5 phải chốt và khẳng định được tất cả các công nhân trong khu công nghiệp đã được xét nghiệm.
Sau đó, các quận, huyện trên phạm vi địa bàn của mình phải ra thông báo về kết quả xét nghiệm của từng doanh nghiệp, số lượng cụ thể, kết quả thế nào, âm tính từ ngày nào. Thông báo cho các chủ doanh nghiệp phải chịu trách nghiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu phải ký cam kết và chịu trách nhiệm.
“Bây giờ phải thêm một bước nữa là yêu cầu công nhân phải ký cam kết các biện pháp phòng chống dịch và giao doanh nghiệp kiểm soát. Kể từ ngày đã bàn giao trách nhiệm cho doanh nghiệp, khi xảy ra trường hợp người lao động mắc COVID-19 thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và chịu toàn bộ chi phí về phòng chống dịch, phải tạm dừng hoạt động”, ông Quảng yêu cầu.
24 ngày chống dịch đầy thăng trầm
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, đến thời điểm này chưa có đủ cơ sở để khẳng định trên địa bàn TP Đà Nẵng sạch COVID-19 trong cộng đồng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (thứ 2 từ trái sang) chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại Khu công nghiệp An Đồn trong đêm. |
Bí thư Đà Nẵng lý giải, nhìn tổng thể tình hình của các địa phương trên toàn quốc hiện nay thì thấy sự bùng phát của các ổ dịch mới với các ca mắc rất lớn. Đó là do các địa phương tăng cường năng lực xét nghiệm thì mới phát hiện được các ca này. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến toàn cục chứ không phải chỉ có địa phương đó và Đà Nẵng không nằm ngoài quy luật ấy.
“Chúng ta quyết liệt, làm nhanh, làm sớm nên chúng ta ngăn chặn được, nhưng không ai có thể khẳng định được trong những ngày tới lại không tiếp tục xảy ra các ca mắc mới trong cộng đồng”, ông Quảng nói.
Cũng theo ông Quảng, hiện nay duy nhất chỉ có Đà Nẵng theo xu hướng nới lỏng, còn các địa phương khác là theo xu hướng siết chặt, kể cả những địa phương có số ca mắc COVID-19 ít cũng đang siết vào. Đà Nẵng phải nhìn nhận và có biện pháp đánh giá. Phải đánh giá đúng tình hình của thành phố và tình hình chung để đưa ra biện pháp phù hợp trong thời gian tới.
Thiết lập các trạm kiểm soát
“Tôi nhấn mạnh, phải thiết lập các trạm kiểm soát ở các cửa ngõ ra vào thành phố, đường bộ, đường không và các bến tàu. Vì sao bây giờ tôi mới đề cập vấn đề này? Vì trước đây chúng ta phải tập trung lực lượng để lo việc trong nội đô. Lúc đó ta đang tập trung căng mình cho công tác về đảm bảo an ninh trật tự cho cuộc bầu cử”, ông Quảng nói.
Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh, thời điểm này không có nhiệm vụ nào cao hơn nhiệm vụ chống dịch. Đây là nhiệm vụ hàng đầu, các nhiệm vụ khác thì phải song hành thực hiện.
“Chúng ta đang muốn làm sạch dịch bên trong nội đô thành phố thì phải có những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế mầm bệnh thâm nhập từ bên ngoài vào. Chúng ta có thuận lợi là các cửa ngõ của thành phố ít, và thành phố có đủ điều kiện để thực hiện việc này”, ông Quảng chỉ rõ.
Ngành y tế Đà Nẵng xuyên đêm lẫy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực có ca mắc COVID-19. |
Ông Nguyễn Văn Quảng cho rằng, với các chốt giao thông hiện nay, ông đã đi kiểm tra thì thấy việc tăng cường lực lượng cho các chốt này phải là vấn đề lớn vì lực lượng đã khá đảm bảo. Cái quan trọng nhất là cần phải thay đổi phương thức khi kiểm soát người ra, người vào thành phố.
Vấn đề là thay đổi giải pháp chứ không làm theo biện pháp thủ công là bấm đo thân nhiệt, khai báo trên giấy mà phải ứng dụng công nghệ thông tin.
“Chúng ta không thể ngăn ngừa 100% việc xâm nhập từ ngoài vào nhưng tôi tin nó tạo ra ý thức, trách nhiệm và đây chính là cửa ngõ để chúng ta ngăn chặn, hạn chế. Vì vậy, từ 27/5 phải thiết lập các chốt, yêu cầu đặc biệt là phải khai báo y tế điện tử. Tôi đề nghị Sở TT-TT cung cấp các trang thiết bị, hướng dẫn thực hiện ngay, không phải cứ bấm, đo thân nhiệt như trước đây”, Bí thư Đà Nẵng chỉ đạo.
Ông Quảng cũng dẫn chứng về 2 địa phương giáp ranh Đà Nẵng là Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế. Theo ông, không phải tự dưng mà Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế họ lại duy trì các điểm chốt suốt như vậy. Thực tế là bởi nó có tác dụng nhất định.
Về các biện pháp phòng chống dịch sắp tới, Bí thư Đà Nẵng đồng ý với ý kiến siết chặt các khu cách ly tập trung và các khu phong tỏa, tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp phong tỏa miềm, cứng theo thực tế vì Đà Nẵng áp dụng trọng thời gian qua đang rất hiệu quả.
Tác giả: XUÂN TIẾN
Nguồn tin: Báo VTC News