Xã hội

Bé sơ sinh vừa chào đời đã mắc giang mai

Ngày 12/1, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ cho biết đơn vị này đang điều trị cho một trẻ sơ sinh mắc bệnh lý giang mai nghi do lây truyền bẩm sinh từ mẹ, theo Tri thức trực tuyến.



Đại diện bệnh viện cho biết trước đó, thai phụ trẻ được chuyển đến đơn vị này trong tình trạng chuyển dạ sinh non và vượt cạn thành công. Tuy nhiên, sau khi bé chào đời với thể trạng non yếu, các bác sĩ phát hiện em có một số viêm nhiễm da, tổn thương thần kinh, vùng lách to. Qua xét nghiệm ban đầu, trẻ được chẩn đoán mắc giang mai bẩm sinh.

"Trường hợp này hoàn toàn có thể tầm soát phát hiện sớm và điều trị trước sinh để em bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, gia đình đã chủ quan bỏ sót khâu siêu âm và tầm soát bệnh lý bẩm sinh cho trẻ", đại diện bệnh viện cho biết.

Ảnh minh họa.



Chia sẻ với VietNamNet, TS.BS Trần Thị Huyền, Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay giang mai là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường tình dục và chủ yếu gặp ở người lớn, song cũng có thể ghi nhận ở bất cứ lứa tuổi nào. Trẻ em mắc giang mai thường do lây từ người mẹ bị bệnh trong quá trình mang thai.

Bệnh ở trẻ em được chia thành giang mai bẩm sinh sớm (xuất hiện trong 2 năm đầu) và giang mai bẩm sinh muộn (xuất hiện sau đẻ 3-4 năm hoặc khi đã trưởng thành).

Mới đây, TS Huyền tiếp nhận bệnh nhi 18 tháng tuổi bị giang mai. Em bé quê ở Hà Giang, ở với ông bà do bố mẹ đi làm việc xa. Khi phát hiện vùng quanh hậu môn của bé có thương tổn mảng màu trắng xám và ẩm, gia đình nghĩ cháu bị viêm da thông thường do vấn đề vệ sinh quần áo, tã vải chưa sạch, nên tự điều trị cho bé. Khi thấy tình trạng bệnh không thuyên gia, ông bà mới báo bố mẹ để đưa con đi khám.

Khi nhận kết quả con dương tính với giang mai, phải nhập viện để theo dõi, điều trị, bố mẹ bé rất bất ngờ. Kết quả xét nghiệm cho thấy cả nhà ba người đều mắc giang mai, bé bị lây bệnh từ trong bụng mẹ.

TS.BS Trần Thị Huyền cho hay trẻ có thể lây nhiễm giang mai từ mẹ, thường xảy ra từ tháng 4-5 của thai kỳ, không phải lây truyền trong quá trình sinh nở, chuyển dạ như một số bệnh truyền nhiễm khác. Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào bào thai có thể xảy ra các trường hợp sảy thai hoặc thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong.

Nếu nhiễm xoắn khuẩn nhẹ hơn, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng, xuất hiện các thương tổn của bệnh giang mai. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn, lây qua các vết xước trên da, niêm mạc, lây qua truyền máu.

Theo TS Huyền, trẻ mắc giang mai bẩm sinh có biểu hiện sớm trước 2 tuổi, các dấu hiệu nhận diện thường là có phỏng nước, bong vảy lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, xương to, đau các đầu xương làm trở ngại vận động.

Trẻ sinh ra nhỏ hơn bình thường, da nhăn nheo như người già, bụng to, có các mạch máu tím trên da bụng, gan to, lách to, trẻ có thể sụt cân nhanh, thậm chí chết bất thình lình.

Bác sĩ này khuyến cáo cần thực hiện sàng lọc bệnh giang mai với các bà mẹ khi mang thai. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh giang mai cho phụ nữ mang thai trước tháng thứ 4-5 thai kỳ sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con.

Tác giả: Linh Chi (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: mắc giang mai , bé sơ sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP