Một bệnh nhi đang điều trị bệnh sởi tại TP.HCM. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn. |
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), ngoài tình trạng sốt cao, li bì, bé Đ.T.T. có nhiều tật bẩm sinh khác như bất thường não, teo giác mạc, không hậu môn, đã được phẫu thuật lúc nhỏ.
Với thể trạng có nhiều bệnh nền, lại hay mắc bệnh vặt, bé T. chưa từng được tiêm vaccine, bao gồm vaccine ngừa sởi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi sốt cao 3 ngày liên tục, nôn mửa, tiêu chảy, ho ngày càng tăng, phát ban toàn thân và bắt đầu khó thở nặng. Bé được thở máy, truyền kháng thể, kháng sinh, bổ sung vitamin A liều cao, tăng cường dinh dưỡng và chăm sóc nâng đỡ thể trạng.
Sau 7 ngày điều trị, tình trạng bé T. có cải thiện, tự thở được nhưng vẫn cần tiếp tục hồi sức.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, thời gian vừa qua, đơn vị này tiếp nhận và điều trị không ít trường hợp mắc bệnh sởi nặng.
Hầu hết trường hợp đều có bệnh nền và chưa hoặc tiêm ngừa sởi không đầy đủ. Theo khảo sát của các bác sĩ, một số lý do không tiêm ngừa thường được đưa ra là "trẻ không đủ sức khoẻ” và "gia đình lo ngại hậu quả của thuốc ngừa gây ra".
Bác sĩ Việt cho hay trừ một số nhóm trẻ có tình trạng sức khỏe bất thường, mọi trẻ em trong độ tuổi tiêm phòng, đặc biệt là nhóm trẻ có bệnh nền, các dị tật, cần tiêm vaccine sởi đầy đủ.
Nhóm trẻ có tình trạng sức khỏe bất thường như suy giảm miễn dịch nặng; mắc bệnh ung thư đang hoá trị, xạ trị; mắc bệnh lao đang điều trị; đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch liều cao kéo dài; dị ứng hoặc phản ứng nghiêm trọng với các thành phần trong vaccine... cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm ngừa.
Theo bác sĩ Việt, trẻ sau tiêm vaccine sẽ tạo được kháng thể, tự bảo vệ khi gặp virus sởi. Trong trường hợp đã tiêm ngừa nhưng không may mắc bệnh, trẻ có thể hạn chế khả năng gặp các biến chứng về sau.
Sởi có thể dẫn tới các biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não dẫn đến không qua khỏi nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh cũng đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em dưới 3 tuổi do đã hết miễn dịch truyền từ mẹ.
Bệnh sởi lây nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp. Hầu hết trường hợp chưa có miễn dịch đều phát bệnh sau khi tiếp xúc với người bệnh. Một bệnh nhân sởi đang trong thời kỳ lây nhiễm có thể lây trung bình cho 12-18 người.
Hiện nay, biện pháp dự phòng bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine. Trẻ em cần được tiêm mũi đầu tiên vào 9-11 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ 18 tháng. Bên cạnh đó, những trẻ lớn hơn cũng có thể tiêm bổ sung nếu sống trong vùng có ca mắc, vùng nguy cơ cao để tăng cường miễn dịch.
Tác giả: Linh Thùy
Nguồn tin: lifestyle.znews.vn