Số hóa

Ấn Độ sắp trở thành kinh đô iPhone thay Trung Quốc

Ấn Độ được cho là sẽ sản xuất khoảng 25% sản lượng iPhone toàn cầu vào năm 2025, thậm chí khoảng 50% vào năm 2027.

“Gã khổng lồ” Apple đã tăng cường sản xuất iPhone tại Ấn Độ trong năm tài chính 2023, với giá trị iPhone lắp ráp tại quốc gia này tăng gấp 3 lần lên 7 tỷ USD, theo Bloomberg.

Công ty Mỹ đã sản xuất gần 7% số iPhone của mình ở Ấn Độ thông qua việc mở rộng đối tác từ Foxconn sang Pegatron. Đây là một bước nhảy vọt đáng kể đối với quốc gia Nam Á, vì sản lượng iPhone ở đây ước tính chỉ chiếm 1% số iPhone trên toàn thế giới trong năm 2021.

Apple đã và đang cố gắng mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường Ấn Độ. Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Xiaomi (Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc) tại thị trường này, Apple đã tung ra các sản phẩm mới và cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn, bao gồm việc giảm giá các sản phẩm.

Dịch chuyển khỏi Trung Quốc

Động thái tăng cường sản xuất tại Ấn Độ của Apple là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang.

“Tôi nghĩ rằng Apple sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc để có một tỉ lệ sản xuất đáng kể, nhưng họ đang cố gắng tăng thêm sự đa dạng cho cơ sở cung ứng của mình để nếu có vấn đề gì xảy ra ở Trung Quốc, họ sẽ có một số lựa chọn thay thế”, giáo sư Willy Shih tại Trường Kinh doanh Harvard chia sẻ. Ông Shih gọi chiến lược này là Trung Quốc +1.

Trên thực tế, Apple đã nhận ra tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình trong nhiều năm, nhưng tác động của đại dịch tại nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới năm 2022 khiến điều này trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Sự gián đoạn do Covid-19 ước tính đã tiêu tốn của công ty một tỷ USD mỗi tuần.

Sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 tại nhà máy Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc trong năm 2022 là một trong những nguyên nhân khiến Apple đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài quốc gia này. Ảnh: CNN

Ấn Độ được coi là niềm hy vọng chính để Apple chuyển dây chuyền sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc. Quốc gia này dự kiến sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay. Lực lượng lao động dồi dào và giá rẻ ở đây, bao gồm nhiều kỹ sư trình độ cao là một sức hút lớn đối với các nhà sản xuất.

Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á cũng được dự đoán sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới dù lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn còn.

Một báo cáo năm 2022 cho rằng quốc gia này sẽ sản xuất khoảng 25% tổng số iPhone vào năm 2025, và con số này có thể tăng lên thành 50% vào năm 2027.

Apple có thể sẽ sản xuất những chiếc iPhone tiếp theo ở Ấn Độ cùng thời điểm với ở Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 9 năm nay. Nếu điều này thực sự xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên quá trình lắp ráp iPhone bắt đầu đồng thời ở 2 quốc gia. Việc này cũng sẽ giúp Apple giảm thiểu các vấn đề về chuỗi cung ứng mà công ty phải đối mặt vào năm 2022.

Công ty của CEO Tim Cook sẽ gặp phải vô vàn thách thức trong việc giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng công nghệ được xây dựng trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo phân tích của Bloomberg, họ có thể giảm 20-40% phụ thuộc vào quốc gia này vào năm 2030.

Điểm đến của tương lai

Việc Apple tăng cường sản xuất tại Ấn Độ được coi là một chiến thắng kinh tế lớn của quốc gia Nam Á, đồng thời góp phần giúp quốc gia này tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất hàng điện tử hàng đầu thế giới, thay thế cho Trung Quốc.

Ngoài ra, mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Ấn Độ và các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Apple sẽ giúp Ấn Độ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp toàn cầu tham gia vào hệ sinh thái sản xuất điện tử của nước này.

Có thể nói rằng Apple đã công nhận Ấn Độ là tiền đề cho sự phát triển trong tương lai, vì không chỉ tăng cường sản xuất mà còn mở 2 cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại quốc gia này vào tuần tới, một ở Mumbai và một ở New Delhi.

Tầm quan trọng của thị trường này đối với “gã khổng lồ” của Mỹ càng được khẳng định khi CEO Apple Tim Cook sẽ đích thân bay sang Ấn Độ để khánh thành 2 cửa hàng này.

CEO Apple Tim Cook dự kiến ​​sẽ sang Ấn Độ để dự lễ ra mắt các cửa hàng của Apple ở Mumbai và Delhi, đồng thời gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: The Print

Các sản phẩm của Apple tại Ấn Độ hiện đang được 3 đối tác là Foxconn, Wistron và Pegatron sản xuất. Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất của Apple, có kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD vào một nhà máy ở một bang miền Nam Ấn Độ để sản xuất linh kiện điện thoại, có thể cả iPhone.

Thời gian qua, Chính phủ Ấn Độ đã tung ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Những nỗ lực này đã mang lại thành công. Samsung, thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy hàng đầu thế giới, cũng đã đẩy mạnh sản xuất điện thoại ở quốc gia Nam Á.

Hãng điện tử khổng lồ Hàn Quốc thời gian qua cũng tăng cường đa đạng hóa địa bàn sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tại đây tăng lên và cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu nội địa Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.

Samsung hiện sản xuất hàng loạt điện thoại ở Việt Nam và Ấn Độ, trong đó Ấn Độ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng toàn cầu của hãng.

Năm 2018, Samsung xây dựng nhà máy - được mệnh danh là “nhà máy điện thoại lớn nhất thế giới” - tại Noida, gần thủ đô New Delhi. Giới phân tích cho rằng công ty Hàn Quốc đã mở đường để các nhà sản xuất khác dịch chuyển dây chuyền tới đây.

Tác giả: Nguyễn Tuyết

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: iPhone , trung quốc , Ấn Độ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP