Xã hội

8 người cùng ngộ độc tê lưỡi, cứng hàm sau khi ăn cá chình

Sau bữa tiệc cá chình, 8 người phải nhập viện vì tiêu chảy, tê bì nhiều phần cơ thể, mệt mỏi, người ăn còn lại nhẹ nhất có cảm giác tê bì mặt.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, mới đây nhất trung tâm đã tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá chình. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, cảm thấy bỏng rát, yếu cơ, đau mỏi người, không nôn. Đây là 3 trong số 9 người cùng tham dự bữa tiệc tại nhà chị Đ.T.L. (49 tuổi, trú Phúc Thọ, Hà Nội).

Nằm trên giường bệnh, chị Đ.T.L. cho biết: “Đón khách từ Việt Trì xuống chơi, buổi trưa cả gia đình mời nhau ra hàng ăn cá chình với các món chế biến nướng, om chuối… Ai dè, mâm 9 người thì 8 người sau đó nhập viện vì tiêu chảy, tê bì nhiều phần cơ thể, mệt mỏi do ngộ độc món ăn này, người ăn còn lại nhẹ nhất chỉ cảm giác tê bì mặt. Mấy người khách ở Việt Trì thậm chí còn nặng hơn chúng tôi”.

Được biết, trưa 14/7, chị L. đã đặt món cá chình nướng, om chuối đậu để đãi khách. Đến chiều, chị nhận được điện thoại thông báo khách về đến Việt Trì (Phú Thọ) thì có biểu hiện ngộ độc.

Đến tối 14/7, 8 người tham gia bữa tiệc phải nhập viện, trường hợp còn lại chỉ có dấu hiệu tê bì thoáng qua nên ở nhà theo dõi. Năm người khách được cấp cứu tại Việt Trì. Ba người (gồm vợ chồng chị L. và một người thân) được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và sau đó chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân ngộ độc cá chính điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: P.T./VietNamNet

Ngoài vợ chồng chủ nhà, bệnh nhân N.T.N. (48 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội), ăn cùng bữa cơm cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Trước khi nhập viện, bệnh nhân này cũng có cảm giác mệt mỏi, yếu cơ và tiêu chảy. Sau 3 ngày điều trị, cả ba bệnh nhân vẫn mệt mỏi, cử động chân tay khó khăn.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 3 bệnh nhân ngộ độc cá chình vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác như sờ vào nóng thì thấy lạnh và ngược lại, cảm thấy bỏng rát, yếu cơ, đau mỏi người.

Nói về nguyên nhân gây ngộ độc khi ăn cá chình, bác sĩ Nguyên cho biết: “Ngộ độc cá biển không phải hiếm, có thể xảy đến khi ăn nhiều loại cá như cá chình, cá tầm, cá nhồng, cá vược, cá chình, cá mú, cá cam... Ngộ độc cá biển là do tảo sinh ra độc tố ciguatera, và đây lại là nguồn thức ăn của cá, lâu dần tích tụ độc chất trong cá. Hiện, có tới hàng trăm loài cá có chứa độc tố ciguatera.

Tảo này cá ăn không độc nhưng vào cơ thể người lại gây độc. Độc tố này ít gây triệu chứng tiêu hóa mà chủ yếu gây triệu chứng thần kinh trước sau đó bệnh nhân đau bụng, tiêu chảy, loạn nhịp tim, rối loạn cảm giác, dấm dứt khắp người, đau mỏi, tê bì, yếu cơ hoặc liệt cơ”.

Bác sĩ Nguyên thông tin thêm, triệu chứng ngộ độc cá chình dai dẳng thậm chí nhiều tháng sau bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu khiến nhiều bệnh nhân khó chịu, thậm chí dãn tới trầm cảm, rối loạn tâm lý.

“Ngộ độc cá biển là bệnh hay gặp nhất trong ngộ độc hải sản. Tuy nhiên, người dân ít biết các dấu hiệu này. Bệnh nhân vào cấp cứu chủ yếu điều trị triệu chứng, có thể ra viện sau vài ngày nhưng cũng có bệnh nhân phải điều trị kéo dài cả tháng.

Đáng nói, ngộ độc ciguatera khó phòng tránh vì độc tố không mùi, không vị, không phá huỷ bởi nhiệt độ đông lạnh, không xác định được bằng mắt thường. Cách duy nhất để phòng bệnh là không nên ăn quá nhiều cá chình và các loại cá sống ở rặng san hô, đặc biệt tránh ăn nội tạng cá”, bác sĩ Nguyên chia sẻ trên báo Giao Thông.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP