Thể thao

3 người ngộ độc rượu, 1 trường hợp tử vong

Theo Pháp Luật TP.HCM, hai bệnh nhân là NVA (26 tuổi) và NVQ (36 tuổi) đều trú tại quận 12 (TP.HCM) nhập viện cấp cứu ngày 3/5.

Bệnh nhân hiện đã ổn định. Ảnh: BVCC


Bác sĩ chuyên khoa II Dương Xuân Minh, Khoa lọc máu, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, các bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, nôn ói nhiều, rối loạn thị giác.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân bị rối loạn chức năng đa cơ quan, đặc biệt là tình trạng toan chuyển hóa nặng, tăng khoảng trống anion, tăng khoảng trống áp suất thẩm thấu máu, trong khi nồng độ ethanol trong máu không cao.

Người nhà bệnh nhân cho biết, tối 1/5, 3 người đàn ông này tổ chức ăn uống tại gia đình nhân dịp nghỉ lễ. Sau một ngày, cả 3 phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn chức năng đa cơ quan, toan chuyển hóa nặng.

Qua lời kể của người nhà cùng với việc kết hợp yếu tố dịch tễ cả ba người cùng uống rượu đều có biểu hiện triệu chứng giống nhau nên bác sĩ cho rằng nguyên nhân là do ngộ độc methanol.

Các bệnh nhân đã được điều trị lọc máu, kiểm soát đường máu, điện giải, vitamin B1 liều cao, acid folic, bổ sung ethanol qua đường tiêu hóa… Tuy nhiên, 1 trường hợp không qua khỏi vì ngộ độc nặng. Riêng 2 trường hợp còn lại tỉnh táo, sinh hoạt được, tình trạng toan chuyển hóa đã trở lại bình thường. Dự kiến, ngày mai 10/5, họ có thể được xuất viện.

Bác sĩ Minh thông tin thêm, methanol - thường được gọi là cồn công nghiệp - có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi... nhưng rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu, nhưng ngộ độc rượu do methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống, thông tin từ Người Lao Động.

1 trường hợp dù được điều trị tích cực nhưng không qua khỏi vì ngộ độc nặng. Ảnh minh họa

Để sơ cứu cho người nghi bị ngộ độc methanol, trước hết, bạn phải tuân theo các cách thức sơ cấp cứu nói chung cho các bệnh nhân ngộ độc. Bạn chỉ thực hiện dưới sự chỉ định và giúp đỡ của nhân viên y tế hoặc sau khi đã gọi điện tới Trung tâm Chống độc hay đường dây nóng tư vấn về ngộ độc methanol để được các cán bộ chuyên trách hướng dẫn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo về việc ngộ độc methanol rằng: “Nguyên tắc điều trị chính khi bị ngộ độc methanol là phòng ngừa hơn nữa sự chuyển hóa của chất methanol, chế ngự những điều bất thường của sự trao đổi chất và thực hiện chăm sóc hỗ trợ khác. Sự chuyển hóa có thể được ngăn chặn bằng việc cho uống ethanol hoặc fomepizole. Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm việc chế ngự nhiễm axit bằng chất carbonat axit natri, đặt ống và hô hấp bằng máy và sử dụng biện pháp đào thải ra ngoài cơ thể như thẩm phân máu”.

Cách điều trị dứt điểm duy nhất khi bị ngộ độc methanol là thẩm phân máu. Thẩm phân máu giúp duy trì cân bằng hóa học của cơ thể - kể cả các chất như ka-li, natri và clorua và giúp kiểm soát huyết áp của bệnh nhân. Do đó, nếu bị ngộ đọc methanol, cần thu xếp chuyển ngay bệnh nhân tới một bệnh viện lớn có thiết bị thẩm tách máu. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Tác giả: Thùy Dung (t/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP