Sáng 6-10, Sở GTVT Đà Nẵng cho hay vừa nhận được văn bản của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng về việc đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu để trung chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa nhằm giảm tải cho giao thông đường bộ.
Với bến sà lan mới, hàng hóa từ cảng Tiên Sa sẽ được trung chuyển qua cảng Liên Chiểu ngay trên vịnh Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Theo ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (Cảng Đà Nẵng), từ năm 2016, đơn vị đã nghiên cứu các phương án rút hàng, vận chuyển hàng từ cảng Tiên Sa bằng đường thủy.
Cảng Đà Nẵng đã phối hợp với đơn vị tư vấn đánh giá nhu cầu đầu tư và đề xuất phương án bố trí khu bến sà lan trong quy hoạch cảng Liên Chiểu do UBND TP Đà Nẵng đang thực hiện nghiên cứu tiền khả thi.
Phương án là giữ lại khu bến sà lan do Cảng Đà Nẵng đầu tư khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động. Khi đó khu bến sà lan sẽ đóng vai trò như một bến thủy nội địa.
Ông Sia cho hay, Cảng Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng và các Sở, ngành đề xuất chọn vị trí đầu tư dự án, đã được các cấp có thẩm quyền chấp thuận về chủ trương.
Ngoài ra, Cảng Đà Nẵng cũng đã làm việc với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và được Vinalines đồng ý để Cảng Đà Nẵng đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu theo thông báo ngày 1-10-2018.
Mới đây, lãnh đạo Vinalines đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về việc xây dựng bến phà này và cơ bản thống nhất phương án xây bến sà lan Liên Chiểu.
Trên cơ sở đó, Cảng Đà Nẵng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư theo phương án vị trí bến đã chọn. Hồ sơ đề xuất sẽ được Cảng Đà Nẵng gửi đến Sở GTVT trước ngày 10-10-2018.
Theo ông Sia, với mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, bến thủy nội địa này dự kiến được xây dựng từ năm 2019, hoàn thành vào quý II/2020.
Trong một diễn biến liên quan, từ ngày 1-10, Cảng Đà Nẵng đã tổ chức giao hàng ban đêm từ 20% đến 25% thay vì 10% hàng hóa như trước đây. Việc này giúp giảm tải xe container chạy ban ngày trên trục đường Ngô Quyền.
Như đã thông tin, dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỉ đồng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ nhận định việc xây dựng cảng Liên Chiểu là cấp bách.
Từ đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tài chính, KH&ĐT và TP Đà Nẵng thống nhất báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ quan làm chủ đầu tư dự án; quy mô đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Các yêu cầu trên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-10-2018, đúng pháp luật.
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM