Trong nước

1 triệu tỷ đồng rót vào 3 đặc khu: “Không làm cỗ rồi mời nhà đầu tư ngồi vào mâm!”

“1 triệu tỷ đồng cần rót vào 3 đặc khu không có nghĩa nhà nước phải bỏ ra hết, “làm cỗ” xong rồi mời nhà đầu tư chỉ việc ngồi vào mâm cỗ bày sẵn. Nhà nước chỉ làm nên những cơ chế, vẽ ra những mô hình, đưa ra những thực đơn và bản thân nhà đầu tư sẽ mang các nguồn lực vào để nấu ra mâm cỗ…”.

PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, ủy viên UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phân tích về bài toán đặt ra với các đặc khu kinh tế.

- Bản dự thảo mới nhất luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được ban soạn thảo giải trình là hướng tới việc kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, mang tính cạnh tranh quốc tế cho các đặc khu trong tương lai. Quan điểm của ông về định hướng này?

- 3 khu vực được lựa chọn lần này để xây dựng thành những đặc khu h ành chính – kinh tế, tức đặc biệt không chỉ về kinh tế mà cả về thể chế hành chính nên có sự khác biệt hơn rất nhiều.

Tạo ra những cơ chế đặc biệt như thế là nhằm gỡ bỏ những gì là rào cản hành chính, cơ sở để thu hút được nguồn lực ở bên ngoài vào ở mức tối đa. Ví dụ, tại đó, các ngành nghề kinh doanh sẽ được tự do hơn, những thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm đi, những quyết định hành chính sẽ không phải đi vòng vèo, qua các cấp trung gian nữa mà có người chịu trách nhiệm rõ ràng. Và như thế, môi trường sẽ thật sự cởi mở cho các nhà đầu tư, cởi mở cho việc khai thác nguồn lực ở mức cao nhất.

Có một vấn đề là mục tiêu đề ra của luật thì vậy nhưng thực tế, những chính sách đang được xây dựng trong dự thảo luật dường như mới đang thiên về kinh tế (đặt ra nhiều ưu đãi) mà chưa nhìn thấy rõ lắm sự cởi mở về hành chính.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: "Luật phải làm sao để dư luận yên tâm nhà đầu tư vào đặc khu không phải là giữ chỗ mà vào để thực sự đóng góp, cống hiến".

- Dự thảo luật được thiết kế với cả một chương (chương 3) về những chính sách đặc biệt, vượt trội về cả môi trường đầu tư, cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm thiểu các thủ tục hồ sơ, giảm tối đa các đầu mối tại trung tâm hành chính công, nhấn mạnh chính sách khu thương mại tự do… đấy chứ, thưa ông?

- Các chính sách như về thuế quan áp dụng cho khu thương mại tự do chẳng hạn, thì thực chất không phải là ưu đãi vì trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang tiến tới thực hiện đầy đủ các cam kết, hiệp định thương mại song phương và đa phương thì môi trường kinh doanh hầu hết đều là thương mại tự do rồi chứ không riêng gì đặc khu kinh tế mới có môi trường như thế.

Tất nhiên, luật cũng đưa ra những cơ chế hành chính rất cởi mở như việc tăng thời hạn giao đất lên 70 năm, thậm chí tới 99 năm. Nhưng vấn đề nhiều người đang băn khoăn là những cởi mở về mặt hành chính đó lại đang thiếu căn cứ, cơ sở thuyết phục. Nếu đặt câu hỏi, tại sao thời hạn giao đất phải “nới” tới 99 năm thì rất khó trả lời.

Nếu vì lý do chu kỳ hoạt động của dự án đầu tư cần đến mức đó thì đúng là cần có chính sách để giao đất cho nhà đầu tư sử dụng đến hết chu kỳ. Nhưng nếu chu kỳ đầu tư không cần đến mức đó sao lại cần chính sách như vậy? Việc này được lý giải là làm thế để nhà đầu tư yên tâm là có làm tới 50-60 năm sau họ vẫn có quyền tái đầu tư lại. Nhưng nếu thế thì cái cần đưa cho nhà đầu tư là một cơ chế để người ta thấy rằng dù chu kỳ dự án chỉ 30 năm nhưng trong thời gian đó mà doanh nghiệp hoạt động tốt, đóng góp tốt thì đương nhiên được tiếp tục hoạt động, họ có thể tự quyết định việc có muốn làm tiếp hay không.

Làm được như vậy thì dư luận xã hội sẽ yên tâm hơn, người ta sẽ thấy là nhà đầu tư vào đặc khu không phải là giữ chỗ mà vào để thực sự đóng góp, cống hiến.

- Vấn đề có đơn giản vậy không khi thực tế, các đặc khu hướng tới thu hút những nhà đầu tư chiến lược, điều kiện đặt ra phải là những dự án lớn, như việc làm hẳn một sân bay quốc tế chẳng hạn, số vốn lên tới 5.000-7.000 tỷ đồng, thời gian hoàn hồi vốn tính đến 50-60 năm?

- Đúng là trường hợp doanh nghiệp đầu tư làm sân bay, cảng biển, hạ tầng… chẳng hạn thì chu kỳ đầu tư dự án sẽ rơi vào trường hợp đặc biệt và thời hạn có thể là 70 năm, thậm chí hơn. Căn bản là chính nhà đầu tư cũng phải luôn luôn đổi mới, nâng cấp để sân bay luôn được xếp hạng tốt thì có qua hạn 50 năm anh vẫn tiếp tục làm thôi. Ngược lại, dự án có được giao 70 năm nhưng để sân bay xuống cấp, khai thác không hiệu quả thì có chưa hết hạn đó, nhà đầu tư chắc cũng không “trụ” nổi.

Tóm lại, nguyên tắc là cơ chế hành chính đặt ra phải làm sao để nhà đầu tư tự quyết định được sự tồn tại của mình. Cơ chế cũng buộc nhà đầu tư phải liên tục thể hiện sự vượt trội, liên tục vận động, liên tục phát triển. Khi đó, còn làm ăn hiệu quả thì họ tự quyết định việc tiếp tục hành trình, còn không hiệu quả thì cũng phải tự rút để nhà đầu tư khác vào làm. Đó chính là cách để lựa chọn được những nhà đầu tư tốt.

- Vấn đề gây tranh luận nổi lên những ngày qua liên quan đến việc Bộ Tài chính tỏ ý không đồng tình với một số đề xuất về cơ chế đặc thù các tỉnh có đặc khu đưa ra như việc cho địa phương giữ lại tỷ lệ nhất định nguồn thu trong một thời gian để tiếp tục đầu tư. Lý do đưa ra là Bộ Tài chính lo ngại việc này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Nhiều chuyên gia kinh tế thì nêu nguyên lý, trong bài toán tài chính của đặc khu, vốn ngân sách là cần thiết, có ý nghĩa là vốn mồi để thu hút đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, trong một giai đoạn nhất định, cần thiết ưu tiên cho những nơi cần thu hút đặc biệt. 3 đặc khu này rõ ràng cần những đầu tư ban đầu để làm hạ tầng cơ bản. Như thế thì thậm chí ngân sách nhà nước cần phải đầu tư thêm, đồng thời cũng phải để lại nguồn thu nội địa thích hợp cho địa phương đủ để bù đắp cho những hoạt động cần thiết ở đây. Tuy nhiên, về lâu dài, các đặc khu đã có cơ chế ưu đãi đặc biệt, nguồn lực tạo ra tại chỗ phải lớn hơn, khi đó không cần thiết phải dành cho vùng đó mức ưu đãi lớn hơn các vùng khác.

Vậy nên việc Bộ Tài chính không đồng tình với những đề xuất một cách tổng thể là có cơ sở. Nhưng nếu đưa ra lộ trình ưu tiên ngắn hơn và bài toán xây dựng cho thấy rõ là trước mắt nhà nước phải dành ưu tiên cho đặc khu để sau đó thu được những thứ lớn hơn thì việc ưu tiên là hợp lý.

- Một số ý kiến cũng cảnh báo là 3 đặc khu kinh tế sẽ cần những nguồn đầu tư rất lớn, tổng cộng hơn 1 triệu tỷ đồng, gây áp lực lớn cho ngân sách khi tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn Quốc hội phê duyệt cho 5 năm tới cũng chỉ khoảng 2 triệu tỷ đồng. Ông có thấy hoang mang vì những con số này?

- Về nguyên lý, 3 đặc khu dự kiến xây dựng đều là những khu vực có tiềm năng phát triển. Nếu muốn kêu gọi nhà đầu tư vào thì không thể để nguyên tình trạng hoang sơ mà cần có sự đầu tư cơ bản vào đây. Khoản đầu tư vào đó chính là vốn mồi để kêu gọi nhà đầu tư khác vào. Nếu thực sự thu hút được nhà đầu tư tốt vào thì phần phát triển, những đóng góp tạo ra chắc chắn lớn hơn phần nhà nước phải rót vào.

Vấn đề ở đây là xác định nhà nước bắt buộc phải bỏ ra bao nhiêu trong tổng mức đầu tư? Tổng mức hơn 1 triệu tỷ đồng không có nghĩa nhà nước phải bỏ hết mà cần phân tách cụ thể phần nào là vốn mồi, phần nào là huy động từ nhà đầu tư.

Ngay từ đầu phải kêu gọi tư nhân đầu tư cả về hạ tầng tại đặc khu chứ không phải nhà nước “làm cỗ” xong hết rồi và mời nhà đầu tư chỉ việc ngồi vào mâm cỗ bày sẵn. Nhà nước chỉ làm nên những cơ chế, vẽ ra những mô hình, đưa ra những thực đơn và bản thân nhà đầu tư sẽ mang các nguồn lực vào để nấu ra mâm cỗ.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: P.Thảo (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP