Việc Formosa thừa nhận hành vi, theo giáo sư Võ, là thắng lợi lớn của Việt Nam, bởi giới chức đã tìm ra bản chất vấn đề, tạo niềm tin trong người dân. "Đưa ra kết luận chắc chắn và khách quan sẽ giúp nhân dân không bị mất phương hướng và lấy lại lòng tin của họ trước nghi ngờ Chính phủ ém thông tin", ông Võ nhận định.
Ông Đặng Hùng Võ. Ảnh: Vneconomy.
Ông Võ cũng đánh giá cao khả năng xử lý của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Từ chỗ bỡ ngỡ vì sự cố môi trường quá lớn, lần đầu xảy ra ở Việt Nam, Bộ trưởng đã bình tĩnh, đưa ra các giải pháp đúng đắn.
Ông Võ đồng tình khi Việt Nam lấy hai trụ cột quan trọng là cơ sở khoa học và tính pháp lý cùng sáng kiến đưa nhà khoa học quốc tế vào. "Việt Nam đã tận dụng cao nhất năng lực của nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới, giúp "buộc tội" Formosa", ông Võ nói.
Ngược lại, giáo sư Chu Hảo bày tỏ sự "bất ngờ và thất vọng". Ông cho rằng, cuộc họp báo chưa phù hợp với tuyên bố của Thủ tướng khi dự họp với các tỉnh miền Trung hôm 1/5 - rằng đây là sự cố hết sức nghiêm trọng. Nếu như vậy Chính phủ cần thông báo bằng văn bản, chứ không thể nói miệng.
Nhân dân gần 3 tháng chờ mong thông báo của Chính phủ với ba vấn đề lớn. Một là nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết. Thứ hai là tác hại trước mắt và lâu dài cũng như phương án khắc phục. Thứ ba, Chính phủ cần minh bạch vì sao chậm chễ và lúng túng trong công bố.
Giáo sư Chu Hảo chưa thỏa mãn với cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết của Chính phủ. Ảnh: Nhật Minh.
"Chính phủ mới nói về vấn đề thứ nhất là nguyên nhân là thủ phạm - điều mà nhân dân và thế giới khẳng định từ lâu, còn hai vấn đề sau tôi không thấy nói đến cụ thể và minh bạch", giáo sư Hảo cho hay.
500 triệu USD bồi thường là ít hay nhiều thì nên có thêm đánh giá. Nhưng tác hại của vụ việc không chỉ làm mất nguồn sống của đồng bào miền Trung theo nghề đánh cá, du lịch mà quan trọng hơn nó gây ra khủng khoảng truyền thông và niềm tin. "Vì vậy, tất cả thông báo và trả lời của thành viên Chính phủ làm tôi thất vọng", ông Hảo nói.
Khi biết Formosa là thủ phạm khiến cá chết, giáo sư Chu Hồi, nguyên Tổng cục trưởng Biển và hải đảo "vừa mừng, vừa lo". Mừng vì điều ông và nhân dân chờ đợi đã có và dựa trên cơ sở căn cứ khoa học vững chắc. Còn ông lo không biết Formosa có thực hiện đúng cam kết hay không, Việt Nam giám sát như thế nào trong thời gian tới.
Ứng xử của Việt Nam với Formosa
Nhận định Formosa có khuyết điểm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng không nên tiếp cận theo kiểu cực đoan. Formosa đã có chủ trương đầu tư xây dựng và không có ý định rút thì thời gian tới đơn vị này tuyệt đối không có chuyện tương tự xảy ra nữa. Quan trọng hơn là phía Việt Nam cần có hệ thống quản lý, giám sát môi trường, đầu tư chặt chẽ.
Dẫn câu nói của người Việt: "Đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại", giáo sư Chu Hồi bày tỏ, Formosa cần thay đổi nhận thức và hành động thực tế để nhanh chóng nghiêm túc giải quyết hậu quả đáng tiếc.
Theo ông Hồi, Formosa phải đưa ống xả thải lên trên đất liền, không được chôn ngầm xả trực tiếp ra biển, cần xả ra khu vực thiết kế hợp lý trên đất liền. Đồng thời Việt Nam cần xây dựng cơ chế thuận lợi nhất cho việc quản lý và giám sát môi trường trong hoạt động của dự án Formosa. Công ty này cũng cần chuẩn bị phương án khi vận hành sản xuất thật chứ không phải thử. "Người Việt sẽ không đánh đổi cá lấy thép", ông Hồi khẳng định.
Trong số rất nhiều việc phải làm, theo giáo sư Chu Hảo, Việt Nam cần tập trung làm rõ tác hại trước mắt và lâu dài, biện pháp khắc phục cụ thể thế nào. "Môi trường biển nguy hiểm bao năm nữa, khi nào mới phục hồi được và phương án khắc phục ra sao, chứ không chỉ dừng lại ở việc Chính phủ hỗ trợ hay Formosa đền bù", ông Hảo nói.
Việt Nam cũng cần rà soát quá trình thẩm định, phê duyệt dự án và hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, từ đó xem xét trách nhiệm và đưa ra hình thức xử lý phù hợp, trong đó có truy cứu trách nhiệm hình sự.
Giới chức Việt Nam cần xem xét văn bản quy phạm pháp luật trong đầu tư, môi trường cho phù hợp.
Nước xả thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.
Bài học sau thảm họa môi trường
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, sự cố vừa qua cho thấy lỗ hồng về ứng phó với thảm họa môi trường nói riêng và thiên tai nói chung. Cụ thể, hiện tượng cá chết diễn ra từ đầu tháng 4 nhưng cơ quan chức năng chậm phản ứng và khi vào cuộc thì lại đưa ra thông tin mơ hồ, gây nghi ngờ trong dân.
"Các nước trên thế giới thường có Ủy ban hoặc Bộ phụ trách những vụ việc mang tính nghiêm trọng và khẩn cấp do con người gây ra. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của họ hoặc đưa ra những việc cần làm khi có sự cố nghiêm trọng", ông Thuyết gợi ý.
Bài học tiếp theo, giáo sư Thuyết nêu ra là phát triển kinh tế gắn với môi trường bền vững, không nên chạy theo mục đích kinh tế mà đưa công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm, giáo sư Chu Hảo cho rằng: "Việt Nam nên chấp nhận đầu tư không đánh giá cao về kinh tế mà quan trọng hơn phải là đánh giá tác động môi trường, nhất là khâu giám sát kiểm tra. Phải giám sát chất thải ra khỏi nhà máy có đạt tiêu chuẩn hay không chứ không tiếp tục phạt để tồn tại".
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường cần được xem xét lại, nhất là quy chuẩn về xả thải công nghiệp, quy định về thẩm định và giám sát môi trường.
Tác giả bài viết: Phạm Hương