Kinh tế

Xuất siêu chính thức quay trở lại

Tính từ đầu năm đến ngày 15-2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 29,395 tỷ USD, tăng đến 45,8% so với cùng kỳ năm 2017, tương đương 9,235 tỷ USD - đây là mức tăng trưởng kỷ lục của hoạt động xuất khẩu.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 2-2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước đạt xấp xỉ 9,2 tỷ USD; trong đó có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch XK 1 tỷ USD trở lên gồm điện thoại và linh kiện với trị giá kim ngạch 1,808 tỷ USD; dệt may đạt 1,343 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,026 tỷ USD.

Tính từ đầu năm đến ngày 15-2, tổng kim ngạch XK cả nước đạt 29,395 tỷ USD, tăng đến 45,8% so với cùng kỳ năm 2017, tương đương 9,235 tỷ USD - đây là mức tăng trưởng kỷ lục của hoạt động XK.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng mạnh của XK trong giai đoạn đầu của năm 2018 không chỉ dựa vào các nhóm hàng điện tử, mà còn có được nhờ thành tích vượt trội của nhóm hàng XK truyền thống là dệt may với 3,831 tỷ USD, tăng tới 43,1% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương 1,154 tỷ USD).

Ngoài ra, nhóm nông, lâm, thủy sản cũng có sự khởi đầu thuận lợi khi các mặt hàng chủ lực đều đạt con số tăng trưởng khả quan như thủy sản đạt 944 triệu USD, tăng 43,46%; rau, quả 560 triệu USD, tăng 68,1%; cà phê 565 triệu USD, tăng 21%; hạt điều 437 triệu USD, tăng gần 122%...

Với việc hầu hết các DN trong nước tham gia XK nhóm hàng này, mức tăng trưởng vượt bậc của XK nông sản cho thấy sự bứt phá của khối DN trong nước trong nỗ lực kéo gần hơn khoảng cách kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) với khối DN FDI.

Như vậy, tính đến hết ngày 15-2 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 57,12 tỷ USD, tăng 37,2% (tương ứng tăng 15,48 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 2-2018 thặng dư 1,45 tỷ USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 2-2018 thặng dư 1,67 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, tình hình XNK trong những tháng đầu tiên của năm 2018 gặp nhiều thuận lợi khi các nhóm ngành hàng chủ lực của nước ta như: Công nghiệp chế biến, nhiên liệu khoáng sản, nông, lâm, thủy sản đều có mức tăng trưởng XK vượt trội.

Các thị trường XK chính, truyền thống vẫn giữ vững tốc độ tăng XK và từng bước tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Trong đó, Trung Quốc đã chính thức vượt Hoa Kỳ để trở thành thị trường XK lớn nhất của nước ta.

Trong cán cân XNK doanh nghiệp FDI luôn dẫn đầu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) cho rằng: FDI là một thành phần hữu cơ của nền kinh tế. Việc giải quyết lo ngại không phải là làm tìm cách hạn chế hay giảm bớt hoạt động của các DN FDI mà phải tích cực hỗ trợ cho các DN trong nước có thể phát triển nhanh chóng, hiệu quả nhằm chiếm tỷ lệ XK cao hơn so với cơ cấu XK chung của đất nước.

Ông Hải cũng khẳng định: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu và tạo điều kiện để tạo ra sự kết nối lớn hơn giữa các DN trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề chuyển giao công nghệ, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, gia tăng kim ngạch XK.

Tác giả: Phan Đức

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP