Nhân ái

Xót xa những phận người lay lắt trong lòng phố đêm Hà Nội

Mỗi người hoàn cảnh, ai cũng bi đát thê lương và đều phải sống lay lắt bên vỉa hè, đêm đêm chờ những suất cơm từ thiện để sống qua ngày.

Mỗi người hoàn cảnh, ai cũng bi đát thê lương và đều phải sống lay lắt bên vỉa hè, đêm đêm chờ những suất cơm từ thiện để sống qua ngày.


Những phận người “bèo bọt” sống lay lắt trong lòng phố đêm ở Hà Nội02Nhóm thiện nguyện chia sẻ những "bữa cơm ấm lòng" cho hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid-19

Hà Nội bắt đầu chuyển mùa. Khi màn đêm buông xuống, những cơn gió mang theo cái lạnh của mùa đông đã bắt đầu len lỏi vào từng ngõ ngách của phố phường Hà Nội Chúng tôi theo chân 1 nhóm từ thiện phát những suất cơm cho những người vô gia cư, những người có hoàn cảnh khó khăn phải sống lang bạt trên hè phố Hai Bà Trưng - con phố ngày thường nhộn nhịp bậc nhất Thủ đô.

"Những suất cơm này chỉ làm “ấm lòng giữa đêm” cho người không may đang sống lay lắt trên vỉa hè, gầm cầu trên nhiều tuyến phố. Bữa cơm giúp họ vượt qua cơn đói và chỉ làm họ thêm ấm lòng đôi chút, chứ không làm họ chấm dứt cơn đói ngày nối ngày dai dẳng", trưởng nhóm thiện nguyện chia sẻ.

Nhận suất cơm từ tay nhóm thiện nguyện ông Phạm Trung Hiếu (60 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) sụt sùi kể về hoàn cảnh khốn cùng của mình. Cuối tháng 4 vừa rồi ông bị ho, khó thở. Ngỡ mình mắc covid-19 ông Hiếu đi khám tại bệnh viện Phổi TW, nào ngờ bác sỹ chuẩn đoán ông bị suy tim kèm theo nhiều căn bệnh khác.

Không có bảo hiểm, vào Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị được 10 ngày thì tiền cạn. Ông đành xin điều trị ngoại trú, vợ ông chạy vạy thêm được vài triệu đồng mua thuốc men. Mỗi đơn thuốc điều trị hơn 4 triệu đồng, đều đặn từ đó đến tháng 7 vừa rồi thì gia đình không kham được nữa.

Từ đó, ông Hiếu cứ lang thang ở Hà Nội ngày vào công viên trú ngụ, đêm lại lang thang ra vỉa hè nhận những suất cơm, hộp quà của hội thiện nguyện hoặc nhà hảo tâm. Ông kể, ông có 2 người con, người con cả đã có gia đình hoàn cảnh cũng thuộc diện khó khăn không giúp cho bố nhiều, người con thứ 2 đang học 1 trường Đại học Dược ở Hà Nội.

“Bệnh tình thế tôi cũng phải giấu nó cho nó yên tâm học hành, chỉ bảo là bệnh sơ sơ con không phải lo. Giờ nó đi học phải đi làm tự trang trải tiền học, còn vợ tôi ở nhà 4 sào ruộng cũng chẳng dư đồng nào”, ông Hiếu nghẹn giọng khi tâm sự với chúng tôi.

Ông Phạm Trung Hiếu (60 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) chia suất cơm từ hôm qua. Chiếc hộp xốp được xé lỗ để cơm không bị ôi

Ngồi bên cạnh ông Hiếu là ông Đặng Thế Quý (69 tuổi). sức khỏe của ông vẫn ổn, duy chỉ có cái chân hay hành hạ ông lúc trái gió trở trời. Ông bảo nhà ông ở phường Hàng Buồm, Hà Nội, con cái bán hết nhà cửa chuyển vào Nam sinh sống. Sau đó ông cũng theo con vào Nam nhưng tuổi già bóng xế lại ở nơi đất khách xa lạ nên ông trở về Hà Nội chấp nhận cuộc sống vất vưởng nơi vỉa hè. Hỏi ông Quý vì sao còn con, còn cháu ông lại phải sống trong hoàn cảnh này? Ông Quý đưa ánh mắt xa xăm, rồi lắc đầu "chuyện dài và phức tạp lắm, tôi không muốn chia sẻ".

Ngồi cách ông Quý vài ba người nữa trên dọc vỉa hè con phố Hai Bà Trưng là 2 anh em Đinh Văn Hưng (25 tuổi) và Đinh Thị Phương (19 tuổi, quê ở xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Hưng ngồi buồn rầu bên cạnh cô em gái đang say sưa ngủ, thỉnh thoảng lại kéo chân vỗ muỗi, ngón tay cáu bẩn cào cào lên chân rồi lại thiếp đi mê mệt. Hưng kể, nhà bố mẹ mất cả để lại 2 anh em bơ vơ, nhà hoàn cảnh quá nên chỉ học hết lớp 7. Bố mẹ mất hết rồi thấy cuộc sống vất vả quá Hưng cùng em quyết chí lên Hà Nội kiếm việc làm với hy vọng thay đổi được phần nào hoàn cảnh thiếu thốn mà mình phải gánh.

Hai tuần anh em khăn gói lên Hà Nội, nhưng giữa chốn phồn hoa không người quen biết nên Hưng và em ngủ trong công viên Thống Nhất. Sau ngày đi lại mệt nhọc 2 anh em ngủ thiếp đi, đến sáng mai tỉnh dậy thì đồ đoàn bay đi đâu mất sạch. Không giấy tờ tùy thân Hưng và em gái không thể đi xin việc làm mà trở về quê thì không có tiền.

Nghe nhiều người nói tối thường có nhóm thiện nguyện phát cơm, cho quà nên Hưng dẫn em ra đây ngồi, đến ngày mai lại thang công viên xó xỉnh. “Em lên đây 2 tuần rồi mà chưa được tắm, cứ lang thang trong công viên ai cho gì ăn nấy. Giờ chờ xin được tiền em và em gái lại bắt xe về quê, nhưng về quê thì cũng chẳng biết làm gì vì ruộng cho thuê hết rồi”, Hưng vừa nói vừa thở dài nhìn em gái đang say ngủ.

Bên cạnh anh em Hưng là mẹ con nhà bà Nguyễn Thị Luân (1960, phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm) cũng rất éo le. Bà Luân bị cụt tay trái, đứa con gái thì bị động kinh. Để nuôi con bà Luân đành lang thang lượm nhặt ve chai đem bán, hàng tháng cộng với tiền trợ cấp của con thì cũng tạm đủ.

Đêm đến 2 mẹ con ở công viên, vỉa hè xung quanh trường học, chờ suất cơm từ thiện những mong bớt được đồng nào hay đồng ấy. Khi đến sáng, con gái vào lớp học thì bà Luân lại lang thang lượm nhặt ve chai. Xác định căn bệnh của con sẽ theo con cả đời nên bà Luân chấp nhận số phận, thấy con có ước muốn đi học bà cũng đồng ý, miễn sao con được vui vẻ.

"Con vừa nhập học một trường nghề nên tôi phải cố gắng làm việc nhiều hơn với hy vọng sắm được cái xe đạp để con chủ động đi học. Lúc rảnh chở giúp mẹ đồ ve chai nhặt nhạnh ven đường, thế là cũng đủ vui rồi", bà Luân chia sẻ.

Tác giả: Vũ Thành - Phú Sỹ

Nguồn tin: doisongplus.vn

  Từ khóa: Xót xa , người vô gia cư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP