Kinh tế

Xóa nghèo từ trồng và chế biến nghệ

Ba năm lại đây, xã miền núi Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) phát triển mạnh nghề trồng và chế biến tinh bột nghệ. Nghề đã đem lại nguồn thu nhập cao và góp phần tích cực trong giảm nghèo cho nông dân.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lương ở xóm 18 - xã Nghi Kiều có 10 sào đất vườn và đồi. Trước đây, trên diện tích này, gia đình bà trồng cây khoai từ, thu nhập mỗi năm chỉ mươi triệu đồng. Tiếp đó, cây sắn cao sản đưa vào thay thế khoai từ cũng chỉ được ít năm rồi trở nên ế ẩm vì nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Thanh Chương không còn thu mua sản phẩm cho nông dân. Trong khó khăn đó, bà Lương thấy nhiều hộ gia đình trong xã thu mua nghệ củ về chế biến tinh bột nghệ nên đã chuyển hướng sang sản xuất cây trồng mới này. Qua vài vụ, với giá trị kinh tế cao gấp bội phần so với các cây trồng trước đó, cây nghệ nhanh chóng khép kín toàn bộ đất vườn, đất đồi của gia đình. Bà Lương chia sẻ: Trên diện tích 10 sào đất vườn đồi, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch nghệ củ đạt trị giá 130 triệu đồng. Vài năm lại đây, gia đình không xuất bán nghệ củ nữa mà làm luôn việc chế biến tinh bột nghệ tại nhà, thu lãi gấp đôi.
1images1346133 Nghe Nghi Kieu 2
Xã Nghi Kiều hiện có trên 10ha nghệ. Khi lá nghệ già khô là đến kỳ thu hoạch củ.

Xã Nghi Kiều có nhiều diện tích đất đồi, đất ruộng thiếu nước và nghệ là cây trồng chịu hạn, thích ứng với chất đất này. Trước đây, mỗi nhà chỉ trồng một ít, chủ yếu để làm gia vị. Dùng không hết, một vài hộ đã đem nghệ củ đi nhập ở Vinh. Thế rồi, có người nắm bắt được nhu cầu của thị trường về tinh bột nghệ nên đã chế biến thử ra sản phẩm này. Khoản thu cao bất ngờ từ tinh bột nghệ và nhu cầu thị trường khá lớn đã khiến cây trồng này nhanh chóng phát triển thế chỗ cho cây sắn, cây khoai từ và cả đối với cây lúa truyền thống.
2images1346134 Nghe cu
Nghệ củ được rửa sạch trước khi đem xay nhỏ

Với khả năng chịu hạn, thích ứng rộng, cây nghệ không những trồng trên đất ruộng cạn, đất vườn mà còn trồng được trên cả đất đồi không có điều kiện tưới nước. Đó là lý do khiến cây nghệ có điều kiện mở rộng được diện tích. Nếu trồng trên đất đồi thì giống được ra vào dịp Giêng, Hai. Trồng trên đất vườn, đất lúa cao cưỡng thì vào dịp thu hoạch lúa xuân xong. Đến tháng 11, khi cây nghệ vàng lá là đến kỳ thu hoạch.
3images1346140 Phoi nghe
Tinh bột nghệ sau khi lắng lọc được cắt thành tấm, phơi trong bóng râm, thoáng gió
4images1346136 Anh Luyen
Hộ anh Nguyễn Văn Luyện, xóm 18 - xã Nghi Kiều thoát được nghèo nhờ trồng và chế biến tinh bột nghệ

Trồng nghệ không khó, đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, nhà trồng giỏi có thể thu lãi trên 13 triệu đồng/sào tiền nghệ củ. Nếu tiếp tục chế biến nghệ củ thành tinh bột thì nguồn thu này sẽ tăng gấp đôi. Hàng năm, số hộ có khoản tiền hàng trăm triệu đồng từ trồng và chế biến nghệ không phải là hiếm. Điển hình có hộ anh Hoàng Văn Nga ở xóm 17 năm 2016 thu nhập trên 265,4 triệu đồng từ trồng và chế biến tinh bột nghệ. Hộ anh Hoàng Thanh Biên cùng ở xóm này cũng đạt con số trên 232,2 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình khác cũng đã thoát nghèo nhờ cây nghệ.
5images1346137 Say kho nghe
Khi tinh bột nghệ khô 70% mới được đem sấy ở nhiệt độ cao vừa phải

Anh Nguyễn Văn Luyện ở xóm 18 là một trong số đó. Ba năm tần tảo trên 10 sào đất vườn, đồi trồng nghệ kết hợp chế biến tinh bột nghệ, vợ chồng anh đã có tiền trả nợ vay làm nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt. Mới đây gia đình anh còn mua được 6 con nghé để nuôi. Anh Luyện chia sẻ: Nếu không có nghề trồng và chế biến tinh bột nghệ thì gia đình tôi không biết đến bao giờ mới thoát được nghèo chứ nói gì đến có chút dư dật như hôm nay.

6images1346138 Dong goi SP
Đóng gói tinh bột nghệ thành phẩm

Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên ba năm lại đây, xã Nghi Kiều phát triển mạnh trồng và chế biến tinh bột nghệ. Hiện toàn xã có gần 30ha nghệ. Riêng hai xóm 17 và 18 có trên 10ha cây trồng này, năm 2016 thu về trên 300 tấn nghệ củ. Nghề chế biến tinh bột nghệ cũng phát triển mạnh theo. Riêng hai xóm 17 và 18 có gần 100 hộ gắn trồng với chế biến tinh bột nghệ. Nhiều gia đình đầu tư phương tiện cơ giới từ khâu vệ sinh nghệ củ đến xay nhỏ, vắt lọc, đập nhỏ tinh bột nghệ. Việc chế biến này đã tạo việc làm cho gần 200 lao động, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm. Sản phẩm tinh bột nghệ lúc chính vụ giá 300.000 đồng/kg. Khi cuối vụ sẽ tăng lên 450.000 đến 500.000 đồng. Tổng giá trị sản xuất cây nghệ và chế biến tinh bột của toàn xã Nghi Kiều năm 2016 đạt 6,33 tỷ đồng. Đó là chưa kể có thêm vài chục lao động chuyên đưa sản phẩm tinh bột nghệ đi nhập cho các đại lý tiêu thụ.
7images1346139 San pham nghe
Trên bao bì sản phẩm tinh bột nghệ có hướng dẫn sử dụng

Theo ông Hồ Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều: Thị trường tiêu thụ tinh bột nghệ hiện nay khá rộng và ổn định. UBND xã Nghi Kiều đang làm thủ tục để tỉnh công nhận hai xóm có nghề 17 và 18 thành “Làng nghề sản xuất và chế biến tinh bột nghệ”. Ông Ninh cho biết thêm: năm 2017, UBND xã Nghi Kiều chủ trương mở rộng mô hình trồng và chế biến nghệ ra các xóm, quan tâm đến khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, UBND xã hoàn thiện hồ sơ thủ tục đề nghị tỉnh công nhận hai xóm 17, 18 đạt danh hiệu làng nghề chế biến tinh bột nghệ. Có như vậy, nghề trồng và chế biến tinh bột nghệ ở địa phương mới có điều kiện phát triển mạnh hơn, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
8images1346141 Kiem tra lang nghe
Liên minh HTX tỉnh kiểm tra sản xuất tinh bột nghệ ở 2 xóm 17, 18 xã Nghi Kiều.

Tại thời điểm này, các hộ dân xã Nghi Kiều đã thu hoạch xong cây nghệ. Song có nhiều gia đình vẫn tiếp tục công việc chế biến tinh bột nghệ bằng nguyên liệu được nhập từ các địa phương khác về, như gia đình chị Nguyễn Thị Thái ở xóm 18, ngoài nghệ nhà trồng được thì năm nay chị còn thu mua ở xã Nghi Văn, xã Trù Sơn huyện Đô Lương về gần 50 tấn nghệ củ để chế biến. Điều đó đồng nghĩa với sức tiêu thụ của thị trường, diện tích nghệ hiện có trên địa bàn xã Nghi Kiều chưa bị đóng khung mà còn tiếp tục mở rộng, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Tác giả bài viết: Nhật Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP