Hầu hết du khách đi xe điện tham quan không thắt dây an toàn |
Năm 2017, UBND thành phố Đà Nẵng đã cho phép 4 doanh nghiệp hoạt động thí điểm chở khách du lịch bằng xe điện bốn bánh bao gồm: Công ty TNHH MTV Du lịch Ngón tay Việt; Công ty TNHH TM DL Thịnh Hùng; Công ty TNHH XD và TM Phú Phong; Công Ty CP ĐT phát triển và XD Thành đô, với gần 100 đầu xe.
Dù chỉ hoạt động thí điểm, có phân lộ trình rõ ràng, quy định giờ giấc hoạt động nhưng hầu hết các xe điện bốn bánh này đều chở khách du lịch vô tội vạ, chỉ cần khách gọi và cho địa điểm thì những xe này đến tận nơi đón và chở đi tham quan.
Ngay tuyến đường Nguyễn Văn Thoại (phường Mỹ An, TP Đà Nẵng), mặc dù chỉ cho phép hoạt động từ 19 đến 24 giờ nhưng hầu hết các phương tiện xe điện chạy thường xuyên cả ngày lẫn đêm, đậu đỗ sai quy định.
Mặc dù chỉ cho phép hoạt động từ 19 đến 24 giờ nhưng đường Nguyễn Văn Thoại hầu như lúc nào cũng có xe điện chạy đưa đón khách |
Đặc biệt, tại các khu vực có nhiều khách sạn và đường hẹp như Hoàng Kế Viêm, Đỗ Bá, Phan Liêm, An Thượng 29, An Thượng 35... xe điện vẫn hoạt động và đậu, đỗ thường xuyên, làm cho những nơi này thường xuyên kẹt xe, nhất là vào những mùa cao điểm du lịch.
Theo tài liệu, UBND TP Đà Nẵng quy định rõ các tuyến đường hoạt động của xe điện du lịch gồm: Nguyễn Tất Thành, cầu Thuận Phước, Lê Đức Thọ, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Thoại, cầu Trần Thị Lý, đường Trần Thị Lý, đường 2 Tháng 9 (từ Cổ Viện Chàm đến nút đường 2 Tháng 9 và Xô Viết Nghệ Tĩnh).
Thời gian hoạt động trên các đường Nguyễn Văn Thoại, Trần Hưng Đạo, Võ Văn Kiệt, cầu Trần Thị Lý, đường Trần Thị Lý, đường 2 Tháng 9 là từ 19 giờ đến 24 giờ hằng ngày. Các tuyến đường còn lại không giới hạn thời gian.
Xe điện du lịch vẫn thường xuyên hoạt động sai giờ so với quy định |
Một tài xế xe điện của Công ty TNHH MTV Du lịch Ngón tay Việt cho biết, mặc dù biết sai quy định về tuyến đường cho phép, giờ hoạt động nhưng khách gọi thì phải đến điểm đón. Hầu hết khách đều cư trú tại các con đường khác, nếu cứ chạy hoặc đón trả tại các con đường lớn thì sẽ không có khách.
Cũng theo tài xế này, nhu cầu khách tham quan không kể giờ giấc và điểm đón trả, vậy nên khi có khách gọi thì chúng tôi lo đi đón, cũng có lúc bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng luồng lách được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nếu bị phạt thì tài xế chịu mức phạt gần 1 triệu đồng. Ngoài ra, công ty tổ chức xe điện cũng bị xử lý.
Theo quy định của UBND TP Đà Nẵng, tốc độ cho phép tối đa của loại phương tiện này là 30km/h. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế, hầu hết các xe điện chạy khoảng gần 40km/h tùy đường vắng hoặc tùy điểm tham quan và nhu cầu của khách.
Về vấn đề an toàn, hầu hết hành khách đi xe điện không thắt dây an toàn mặc dù trên xe có trang bị đầy đủ và tài xế cũng có yêu cầu.
Theo ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, vì đây là hoạt động thí điểm, nên việc quản lý xe điện và một số vấn đề quận chưa nắm rõ. UBND quận đã có yêu cầu CSGT quận báo cáo tình hình hoạt động của các phương tiện này để có hướng xử lý.
Theo Đội CSGT Công an quận Sơn Trà, từ đầu năm đến nay, đội này đã xử lý 6 trường hợp xe điện chạy sai giờ; gần 30 trường hợp đậu đỗ sai. Về việc xe điện hoạt động trong khu du lịch, thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong quá trình hoạt động, đảm bảo an toàn cho du khách vì đây là đường nội bộ.
Tác giả: NGỌC PHÚC
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng