Giáo dục

Xây cột mốc Trường Sa giữa sân trường

Cột mốc Trường Sa sừng sững, kiêu hùng nằm giữa, xung quanh là những hòn đảo nhỏ...

cot moc truong sa
Cột mốc Trường Sa sừng sững giữa sân trường Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An)

Cột mốc Trường Sa sừng sững, kiêu hùng nằm giữa, xung quanh là những hòn đảo nhỏ. Tất cả quây quần dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phất phới tung bay. Những hình ảnh cứ ngỡ cách xa cả trăm hải lý nay hiện lên gần gũi, chân thực giữa ngôi trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Mỗi chi đội là một hòn đảo nhỏ

“Sơn Ca là một đảo cát nhỏ thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Ba Bình 6,2 hải lý (khoảng 11,5km) và cách cảng Cam Ranh 331 hải lý (khoảng 613km) về phía Đông... Vùng biển xung quanh đảo có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như: Cá chim, cá mú, cá ngừ, cá thu cùng các loài ốc và hải sâm…”. Bằng chất giọng trong trẻo, ấm áp, Nguyễn Thị Thương bắt đầu bài thuyết trình của mình. Phía dưới, cả lớp im phăng phắc, chăm chú lắng nghe. Hết Thương lại đến các bạn khác, mỗi người một phong cách thuyết trình. Buổi sinh hoạt của các cô cậu học trò lớp 8A, Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An bắt đầu như thế.

Đứng ngoài hành lang nghe những cô cậu học trò cấp II tả về những hòn đảo, tôi có cảm giác những chấm nhỏ trên bản đồ hình chữ S, cách đất liền cả trăm cây số như hiện ra trước mắt, thật gần gũi. Chia sẻ về việc thuyết trình biển đảo của các em học sinh, thày Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên không giấu được cảm xúc: Trước đây, trường đặt tên mỗi chi đội là một danh nhân lịch sử như: Lê Văn Tám, Kim Đồng… và đã làm rất tốt. Những năm gần đây, nhà trường muốn các em học sinh nắm rõ lịch sử biển đảo nước ta, từ đó khơi dậy lòng yêu Tổ quốc, yêu đất nước. Từ năm học 2015 - 2016, nhà trường quyết định đặt tên chi đội của mỗi lớp tương ứng với một hòn đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Chi đội 6A - đảo Đá Lớn, chi đội 6B - đảo Vành Khăn, Chi đội 6C - đảo Đá Nam, Chi đội 6D - đảo Trường Sa Đông, Chi đội 6E - đảo Len Đao, Chi đội 7A - đảo Trường Sa Lớn, Chi đội 7B - đảo Châu Viên, Chi đội 7C - đảo Núi Thị, Chi đội 7D - đảo An Bang, Chi đội 7E - đảo Cô Lin, Chi đội 8A - đảo Sơn Ca… 21 lớp là 21 hòn đảo nhỏ. Ngoài việc học tập những kiến thức trong chương trình, các bạn đội viên của các lớp phải tự tìm hiểu về hòn đảo của lớp mình. Cứ sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt cuối tuần, lần lượt các đội viên đứng trước lớp thuyết trình những kiến thức về hòn đảo mang tên chi đội mình. Sau đó, các chi đội sẽ chọn ra ứng viên xuất sắc nhất để đi thi toàn trường”, thày Linh chia sẻ.

Nói về giờ sinh hoạt của lớp 8A, Nguyễn Thị Thương chia sẻ: Đây không phải là lần đầu em đứng trước lớp thuyết trình về hòn đảo Sơn Ca. Mỗi lần thuyết trình, em lại hiểu hơn về hòn đảo mà mình đang tìm hiểu. “Trước đây, em chỉ nghe qua tivi về biển đảo nhưng sau khi tìm hiểu, thuyết trình em biết thêm rất nhiều điều, từ vị trí địa lý, kết cấu cho đến cuộc sống trên đảo...”, Thương tâm sự.

Xây cột mốc Trường Sa

Cùng với việc đặt tên mỗi chi đội là một hòn đảo, các đội viên tìm hiểu và thuyết trình về hòn đảo của chi đội mình. Ban giám hiệu trường THCS Kim Liên còn xây dựng một cột mốc Trường Sa giữa sân trường. Cột mốc Trường Sa có hình trụ bốn cạnh, mỗi cạnh rộng 70cm được đắp sao vàng nổi; Phía dưới có hình trống đồng, ghi kinh độ, vĩ độ. Chiều cao của cột là 4,9m, phía trên cắm cờ Tổ quốc. Công trình được thực hiện trong hai tháng (6-8/2016) với tổng kinh phí gần 40 triệu đồng do phụ huynh và các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ.

Thày Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên cho biết: Ý tưởng xây dựng cột mốc Trường Sa được Ban giám hiệu nhà trường đưa ra từ cuối năm 2015 nhưng mãi đến tháng 6/2016 mới thực hiện được. Lúc đưa ra ý tưởng, các phụ huynh và các doanh nghiệp trên địa bàn rất ủng hộ. Tuy nhiên, lúc xin ý kiến của lãnh đạo địa phương và lãnh đạo phòng giáo dục thì lại vướng. Bởi lẽ, xây cột mốc Trường Sa giữa sân trường là cách làm mới, lãnh đạo phải xin ý kiến của cấp trên. Sau khi được đồng ý về chủ trương, nhà trường đã gấp rút làm, chỉ trong hai tháng đã xong.

Một cột mốc kiêu hùng nằm giữa sân trường, xung quanh là các hòn đảo nhỏ. Tất cả quây quần dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phất phới tung bay. Thật gần gũi, chân thật mà ấm áp. Và rồi, cứ mỗi giờ ra chơi, các tiết ngoại khóa, thày và trò Trường THCS Kim Liên lại tập trung dưới cột mốc Trường Sa cùng củng cố lại những kiến thức biển đảo mà mình đã tìm hiểu.

Ngoài việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức biển đảo, vào các dịp lễ, nhà trường còn mời các cán bộ, chiến sỹ đã từng công tác, phục vụ trên các đảo về giao lưu, trao đổi với các em học sinh. Chia tay thày trò Trường THCS Kim Liên, chia tay Trường Sa, Ba Bình, Cô Lin… chúng tôi thấy biển đảo quê hương gần hơn bao giờ hết.

"Với chủ đề “Em yêu biển đảo quê em”, Phòng GD&ĐT huyện đã triển khai các hình thức thực tế giáo dục cho các em học sinh hiểu rõ hơn về biển đảo của đất nước mình và tình hình biển đảo hiện nay như thế nào. Từ đó, khơi dậy trong các em lòng yêu Tổ quốc, yêu đất nước. Trong đó, cách làm của Trường THCS Kim Liên luôn mới mẻ, thiết thực, hiệu quả và ý nghĩa nhất. Phòng cũng đã chỉ đạo các trường linh hoạt vận dụng mô hình này vào phục vụ dạy học, giáo dục.", ông Lê Trung Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn cho biết.

Tác giả bài viết: Theo Vân Anh/Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP