Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, đoàn công tác của WB, Trung tâm kiến thức Phát triển Tokyo và các chuyên gia của TP Yokohama (Nhật Bản) vừa có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc triển khai thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) trên địa bàn. Đây là phương thức quy hoạch và thiết kế đô thị giúp hỗ trợ tốt nhất cho người dân sử dụng vận tải công cộng.
WB cam kết tiếp tục tài trợ nghiên cứu khả thi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP (Ảnh: HC) |
Theo đó, WB đồng thuận về nguyên tắc đối với những đề xuất trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, WB cam kết sẽ tiếp tục tài trợ để nhóm công tác cùng phối hợp với TP Đà Nẵng triển khai nghiên cứu khả thi (FS) cho cả 2 hợp phần: Di dời, xây dựng ga đường sắt mới và tái phát triển đô thị của dự án với nguồn kinh phí được lấy từ dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng.
Liên quan đến thông tin Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ không tiếp tục tham gia vào dự án này, đoàn công tác của WB cho biết đã báo cáo với lãnh đạo WB, tuy nhiên đây không phải là thông tin có thể gây ảnh hưởng đến việc triển khai FS của dự án. Theo WB, chương trình/dự án tốt thì nguồn lực sẽ không phải là khó khăn lớn nhất. Do đây là dự án đầu tư lớn nên Đà Nẵng sẽ cần rất nhiều nguồn lực để triển khai. Vì vậy WB đã mời các các chuyên gia Nhật Bản cùng xem xét vấn đề khai thác các nguồn lực và giá trị gia tăng từ quỹ đất.
Đoàn công tác của WB cũng nêu rõ, trong quá trình triển khai FS của dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, TOD được xác định là điểm mới cần rất nhiều sự hỗ trợ và xác lập về công tác tổ chức thực hiện, thể chế cũng như sự phối hợp từ các bộ, ngành liên quan, trong đó có cả Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Chính phủ Việt Nam. Do vậy, để có thể triển khai FS của dự án này, phía WB đề nghị Đà Nẵng đẩy nhanh việc phối hợp với các cơ quan Trung ương để thống nhất phương án cuối cùng cho việc triển khai FS của dự án.
Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, dự án di dời ga đường sắt được xác định là một trong những chương trình tái thiết đô thị quan trọng của thành phố. Dự án đã có một số nghiên cứu áp dụng TOD ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Vì vậy, trong các giai đoạn tiếp theo như lập quy hoạch chi tiết, lập FS, TP Đà Nẵng vẫn tiếp tục cần có sự hỗ trợ về áp dụng TOD.
UBND TP Đà Nẵng khẳng định sẽ làm việc chặt sẽ với các cơ quan Trung ương nhằm đảm bảo cơ sở và tính khả thi cho dự án; đồng thời sẽ kết hợp dự án này trong điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương.
Trước những lo ngại từ phía Yokohama về công tác giải phóng mặt bằng của dự án này, UBND TP Đà Nẵng khẳng định đây là lĩnh vực mà Đà Nẵng rất có kinh nghiệm. Đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WB và Yokohama nhằm đảm bảo dự án án có thể được triển khai thành công.
Được biết, theo kết quả Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Tư vấn quốc tế của WB thực hiện thì dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị TP Đà Nẵng có tổng mức đầu tư dự kiến 15.441,75 tỉ đồng. Trong đó hợp phần di dời, xây dựng ga đường sắt mới có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.724 tỉ đồng; và hợp phần tái phát triển đô thị có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.677 tỉ đồng.
Theo lịch công tác của Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, chiều nay 29/5 tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn sẽ làm việc với Bộ GTVT về dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 22/5, Sở GTVT Đà Nẵng cũng đã làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) liên quan đến đề nghị tham gia hợp tác đối với dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng.
Tác giả: Hải Châu
Nguồn tin: Báo Infonet