Giới trẻ

Vừa biết điểm thi, dân mạng đã gào thét những kiểu 'sân si' của hàng xóm đến phát khóc vì quá vô duyên

Sau khi biết kết quả thi, nhiều bạn trẻ sẽ mệt mỏi với những câu hỏi về điểm thi từ hàng xóm.

Ngày 11/7/2018, điểm thi THPT Quốc gia của các tỉnh thành đã được công bố. Đây chắc chắn là thời khắc quan trọng với nhiều em học sinh sinh năm 2000. Bởi kết quả không chỉ cho biết kết quả tốt nghiệp mà còn là căn cứ để các em nộp hồ sơ vào các trường Đại hoc, cao đẳng. Với những em đạt điểm cao hoặc thừa điểm sẽ chẳng có gì để nói, nhưng với những em điểm thấp thì những ngày này sẽ là những ngày áp lực nặng nề. Bởi, vẫn còn những ông bố bà mẹ chì chiết con hết lời chỉ vì không đạt được kết quả như mong muốn.

Thế nhưng, các em học sinh không phải chỉ chịu áp lực từ bố mẹ mà còn có chuyện muôn thuở là điểm chác sẽ trở thành đề tài cho các bà hàng xóm nhất là những người thích đưa chuyện, khoe con tự hào và ca ngợi, so sánh khiến các em học sinh không khỏi khó chịu.

Mới đây một bạn học sinh chia sẻ dòng trạng thái: "Thế là cháu điểm thấp hơn con nhà bác hả... Đấy là câu bà hàng xóm vừa xối xả vào mặt. Bà hùng hổ vội vàng lao vào nhà gào tên kèm câu hỏi "được bao nhiêu điểm". Hỏi xong xuôi thì bà cười nhẹ và dắt xe rồi đi về. Cái cách bà nôn nóng hỏi điểm như mèo thấy mở đấy làm tao không chịu nổi, thực sự không chịu nổi".

Câu chuyện này không chỉ xảy ra với 1-2 người mà có lẽ nhiều bạn học sinh vừa thi xong kỳ thi THPT Quốc gia phải trải qua. Đây cũng là tình huống của bất cứ ai đã từng đi qua thời học sinh. Nỗi khổ lớn nhất không phải là thi cử mà là những lời so sánh, đá xoáy của những người hàng xóm. Bởi họ đâu có hiểu tâm trạng của người đi thi vất vả như thế nào, chỉ đợi khi có kết quả là đưa ra bàn tán, dèm pha.

Một người khác viết: "Một cô chả phải hàng xóm, chả phải họ hàng đến nhà mình xông vào bàn ăn ngồi hỏi được nhiều điểm không. Sao cháu điểm thấp thế, hai đứa nhà cô được những này điểm cơ. Sao cháu điểm thấp thế nhỉ? Cháu học giỏi thế cơ mà, cô tưởng cháu học giỏi hơn hai đứa nhà cô".

Bạn trẻ này cho rằng, đó là sự vô duyên, điểm chác là vấn đề nhạy cảm mà thích khoe để tâng bốc con mình rồi hạ người khác xuống.

Những dòng trạng thái này đã nhận được rất nhiều bình luận của cư dân mạng. Bởi nó đúng với tâm lý của ai đã từng thi sẽ trải qua. "Sau khi tôi nói điểm xong, còn được thêm một câu từ hàng xóm "Được chừng đó điểm thì nộp đâu cho được. Con bác thi khối D được 23,5 điểm, học ngôn ngữ Anh đấy", một dân mạng nhớ lại.

"Tôi còn nhớ như in, hồi thi xong, có bà hàng xóm nói thẳng vào mặt "con chị được chừng đó chỉ có học trường nghề". Sau khi nghe xong chỉ muốn phát điên", một dân mạng chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ.

Chuyện quan tâm đến điểm chác của con cái nhà bạn bè, hàng xóm hay người trong làng xóm có lẽ là điều không có gì lạ. Nhưng cách quan tâm thế nào lại là vấn đề khác. Nhiều ông bố bà mẹ quá tự hào về con mà không hiểu được suy nghĩ của bản thân thí sinh và gia đình khác đang ở trong tình trạng lo lắng khi có kết quả thấp.

Vì vậy, chỉ nên nhẹ nhàng động viên hoặc hỏi điểm nhưng không bình luận những câu "xát muối vào lòng" khiến cho không khí gia đình nặng nề, tạo áp lực lớn cho thí sinh để rồi có thể dẫn đến các hậu quả đau lòng khác.

Tác giả: AM

Nguồn tin: emdep.vn

  Từ khóa: điểm thi , Dân mạng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP