|
TAND quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng) vừa tuyên án vụ ly hôn, nuôi con, chia tài sản chung, nợ chung giữa bà N.T.H.T. (SN 1995) và ông L.P.H.B. (SN 1985), cùng ngụ tại quận Cẩm Lệ.
Trong vụ án này, bà T. là nguyên đơn, ông B. là bị đơn. Ông B. từng là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.
Cả hai đều đồng thuận lý do ly hôn vì phát sinh mâu thuẫn, không thể hòa giải, và bất đồng trong quan điểm nuôi dạy con cái.
Bà T. đề nghị được nuôi 2 con chung. Tuy nhiên, tòa tuyên, bà T. được nuôi người con lớn SN 2012 và ông B. nuôi người con nhỏ SN 2017. Cả hai bên không có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Về phía tài sản, bà T. liệt kê 9 tài sản chung có giá trị hơn 119 tỷ đồng. Bà T. có nguyện vọng được nhận toàn bộ tài sản tọa lạc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận Cẩm Lệ, có giá trị 27 tỷ đồng, vì là nơi bà và con đang ở. Đồng thời, đây cũng là trụ sở của trung tâm Anh ngữ mà bà đang kinh doanh.
Số tài "khủng" trong vụ ly hôn, nuôi con, chia tài sản chung, nợ chung giữa bà N.T.H.T. (SN 1995) và ông L.P.H.B. (SN 1985) |
2 tài sản trên đường 2/9 có tổng giá trị hơn 75 tỷ, đang đứng tên ông B.. Phía ông B. cho rằng, hai tài sản này là người nhà cho riêng mình, chứ không phải tài sản chung của vợ chồng. Do đó, không đồng ý chia cho nguyên đơn.
Trong khi đó, bà T. cho rằng, hai tài sản này có được thông qua việc hoán đổi tài sản và công nợ với chị gái ông B.. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nội bộ trong gia đình ông B. trao đổi chỉ cần bị đơn đứng tên trên giấy tờ đất, vì mục đích để sau này tặng cho hai con chung của ông B. và bà T.. Do đó, bà đề nghị hai tài sản này được chia đôi.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định, bà T. không đưa ra được chứng cứ chứng minh hai tài sản này là tài sản chung. Trong khi đó, ông B. cung cấp được các lập luận, mốc thời gian chứng minh hai tài sản này là của ông B.. Do đó, tòa tuyên hai tài sản này là của riêng bị đơn, không phân chia.
Bên cạnh đó, ông B. cho rằng, về nợ chung, hai người có tổng cộng 4 khoản nợ chung tạm tính khoảng 18 tỷ đồng. Trước khi phân chia tài sản chung, bị đơn đề nghị phải sử dụng tài sản chung để thanh toán dứt điểm các khoản nợ chung.
Giá trị tài sản chung sau khi trừ nợ chung, đề nghị tòa giải quyết phân chia theo tỷ lệ bị đơn hưởng 80% và nguyên đơn hưởng 20%.
Nguyên nhân bị đơn đưa ra vì 100% giá trị nhà đất này là do ba mẹ cho mình. Nguyên đơn mới được bị đơn đồng ý cho đứng tên chung vào cuối năm 2020.
Riêng 5 bất động sản cùng đứng tên chung còn lại có được hoàn toàn do nguồn vốn của cha mẹ bị đơn bỏ ra, tạo điều kiện bị đơn hoạt động kinh doanh sau khi nghỉ việc.
HĐXX nhận định, tổng tài sản chung tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được tòa nhận định còn lại hơn 43 tỷ đồng, bao gồm một số bất động sản và vốn góp vào các công ty. Khối nợ chung là 18 tỷ đồng.
Sau khi trừ nợ chung, tài sản còn lại 26 tỷ đồng.
HĐXX không đồng ý yêu cầu chia đôi tài sản chung của bà T., mà chỉ chấp nhận chia theo tỷ lệ 30/70. Tương đương, bà T. nhận được 8 tỷ đồng, ông B. được nhận 18 tỷ đồng.
Tác giả: Nguyễn Duy Cường
Nguồn tin: nguoiduatin.vn