Báo Pháp Luật TP.HCM vừa có bài“Đà Nẵng: Dân bỗng trở thành con nợ số tiền “khủng”” phản ánh về việc trên 7.000 hộ dân nợ tiền đất tái định cư (TĐC) sốc vì số tiền phải trả tăng vọt 500%-600% khi áp dụng giá đất mới năm 2019.
ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, đã có một số giải trình tường tận hơn.
Phải điều chỉnh giá đất phù hợp
Ông Hùng viện dẫn khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định bảng giá đất được UBND tỉnh/TP xây dựng căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất; được Thường trực HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành (báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất). Bảng giá đất được xây dựng theo định kỳ năm năm một lần.
“Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh/TP phải điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp” - ông Hùng nói.
Về các trường hợp điều chỉnh giá đất, ông Hùng cho hay khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự; khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm 20% trở lên so với giá đất tối thiểu theo bảng giá đất trong khoảng thời gian 180 ngày trở lên.
Về nguyên nhân giá đất tăng “khủng” khiến khoản nợ của người dân nhảy vọt, ông Hùng lý giải, đối với Đà Nẵng, giá đất trước đây được thực hiện theo Quyết định 46/2016 của UBND tp đà nẵng. Qua hai năm áp dụng, giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại Đà Nẵng có nhiều biến động, một số khu vực biến động rất lớn.
“Theo chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Đầu tư và Định giá AIC-Việt Nam về giá phổ biến tại thời điểm nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất thì giá đất tại đô thị tỉ lệ tăng bình quân 4,13 lần (cao nhất chín lần, thấp nhất 1,86 lần), về giá đất ở nông thôn tỉ lệ tăng bình quân 2,66 lần (cao nhất 6,83 lần, thấp nhất 1,2 lần). Đồng thời, trong năm 2017 trên địa bàn TP đã tiến hành đặt mới tên một số tuyến đường, cần phải cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất” - ông Hùng cho hay.
Người dân nợ tiền đất tái định cư kéo tới ban tiếp dân Đà Nẵng nộp đơn kiến nghị khi áp giá đất mới. Ảnh: HẢI HIẾU |
Trả theo một trong hai phương án
Liên quan đến ý kiến người dân nợ đất TĐC phản ảnh giá đất mới quá cao, không đủ tiền để nộp, vị lãnh đạo Sở TN&MT dẫn chứng theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất (SDĐ) thì đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền SDĐ phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là năm năm. Sau năm năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền SDĐ thì người SDĐ phải nộp tiền SDĐ còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá đất hiện hành).
Việc trước đây TP cho các hộ TĐC nợ tiền quy đổi ra vàng, ông Hùng thông tin theo Công văn 7315 ngày 31-8-2016 của UBND TP (hiện nay đang trình UBND sửa đổi, điều chỉnh), đối với những trường hợp nợ tiền SDĐ mà trong hợp đồng ghi nợ 10 năm quy ra giá vàng 98% đến thời điểm người dân liên hệ nộp hồ sơ trả nợ vẫn trong thời hạn 10 năm. Đã quá hạn năm năm thì được lựa chọn một trong hai phương án.
Phương án 1 là thực hiện trả nợ theo hợp đồng: Trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng nhân với đơn giá vàng tại thời điểm trả nợ nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơn số tiền nợ gốc. Phương án 2 là trả nợ theo giá quy định hiện hành.
Theo ông Hùng, đối với các hộ gia đình bị giải tỏa và nợ tiền đất TĐC quá hạn năm năm, UBND TP đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan. “Theo đó, Bộ Tài chính trả lời như sau: Trong thời gian chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị UBND TP thực hiện việc thu nợ tiền SDĐ TĐC theo đúng quy định tại Nghị định 45/2014. Do đó, vấn đề này phải đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ” - ông Hùng cho biết.
Tác giả: LÊ PHI
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM