Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới. Quyết định tăng giá đất này khiến hàng ngàn người dân nợ tiền đất tái định cư (TĐC) tại TP này phải trả nợ cao gấp 500%-600% so với nợ gốc.
Quyết định bất ngờ
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 11-2 (mùng 7 Tết). Nhiều người có tiền muốn nộp để không phải áp dụng giá đất mới cũng không được vì các cơ quan nhà nước đang nghỉ Tết. Qua Tết, người dân đến nộp tiền nợ thì “chết đứng” vì quá hạn và phải nộp tiền theo cách áp giá mới của TP.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà, địa phương này có người dân nợ tiền sử dụng đất (SDĐ) quá hạn nhiều nhất so với các quận khác của TP với hơn 1.000 hồ sơ.
“Thực sự thì việc áp dụng giá đất mới là đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng đối với người dân TĐC nợ tiền SDĐ mà áp dụng giá này thì quá tội nghiệp” - ông Hùng nói.
Theo một nữ cán bộ hỗ trợ thủ tục cho người dân thì những ngày qua chị đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Có người nộp sớm hai ngày trước khi quá hạn thì được áp dụng giá đất cũ. Cũng có người nộp trễ hai ngày phải mếu máo cầm tiền ra về vì số tiền phải nộp tăng gần sáu lần.
Trường hợp anh Lê Văn Dĩnh (ngụ tổ 153, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) là một điển hình. Anh Dĩnh mua lại mảnh đất của một hộ dân được bố trí TĐC trên đường Nại Hiên Đông 16, thời điểm quá hạn là ngày 12-2-2019.
“Trước Tết tôi đến quận hỏi về số tiền phải nộp thì là khoảng 360 triệu đồng. Tôi về gom góp, vay mượn, vậy mà đúng hai ngày sau Tết, khi áp dụng giá mới đã tăng lên đến 1,7 tỉ đồng. Thực sự bây giờ gia đình tôi không biết cách nào xoay xở, mong các cấp chính quyền tạo điều kiện” - anh Dĩnh lo lắng nói.
Mấy ngày qua hàng trăm hộ dân đã đến trụ sở Ban Tiếp dân của TP gửi đơn kêu cứu. Họ cho rằng với người dân TĐC nợ tiền mà áp dụng giá đất như quyết định mới ban hành thì thực sự quá sốc.
Anh Dũng (trú tổ 90, phường Nại Hiên Đông) cho hay: “Hợp đồng của gia đình với cơ quan chức năng là trả nợ bằng vàng nhưng giờ áp trả tiền theo giá đất mới, không biết lấy đâu ra mà trả. Gia đình tôi nợ 240 triệu đồng, giờ lên tới 1,2 tỉ đồng”.
Người dân kéo đến Ban Tiếp dân để kêu cứu vì việc áp giá đất mới. Ảnh: HẢI HIẾU |
Bắt buộc phải làm vì sợ phạm luật
Theo ông Trần Thủ, Trưởng phòng Quản lý giá - công sản (Sở Tài chính TP), quyết định về giá đất mới của UBND ban hành đã được sự thống nhất của HĐND TP.
Ông Thủ viện dẫn theo Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về việc thu tiền SDĐ thì các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất TĐC mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền SDĐ phải nộp trên giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận.
Người SDĐ được trả nợ dần trong thời hạn tối đa là năm năm, sau năm năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền SDĐ thì người SDĐ phải nộp tiền SDĐ còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Ông Thủ thông tin TP cũng hiểu được khó khăn của người dân TĐC nợ tiền SDĐ. Theo đó, tháng 8-2017, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị gia hạn áp dụng mức giá mới cho người dân TĐC về việc nợ tiền SDĐ.
Theo đó, ông Thơ kiến nghị đối với các hộ thuộc diện giải tỏa trước ngày 1-3-2011 hiện còn nợ tiền SDĐ thì được trả nợ theo số nợ đã ghi. Sau ngày 1-3-2018 thì những hộ chưa nộp sẽ phải trả theo giá quy định tại thời điểm trả nợ.
Đối với các trường hợp đã ghi nợ tiền SDĐ trước ngày 1-7-2007 thì số tiền phải trả bằng cách quy đổi theo giá vàng thời điểm 1-7-2007 (1.260.000 đồng/chỉ). Đối với các trường hợp ghi nợ từ ngày 1-7-2007 trở đi thì số tiền SDĐ phải trả là số tiền đã ghi nợ.
“Mặc dù kiến nghị trên chưa được Chính phủ trả lời nhưng cho thấy lãnh đạo TP rất quan tâm đến người dân TĐC nợ tiền SDĐ quá hạn” - ông Thủ nói.
Ông Trần Chí Cường (Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP) cho biết việc cho nợ tiền SDĐ là có thời hạn và vẫn giữ nguyên giá cũ. “Nhưng theo Luật Đất đai mới và nghị định hướng dẫn thì quá hạn trả nợ là phải áp theo giá hiện hành. Cái này cũng có một phần lỗi của người dân vì để nợ quá hạn” - ông Cường nói.
Ông Cường phân tích thêm giá đất được điều chỉnh hằng năm theo luật. Tức là khi giá đất ở ngoài thị trường kéo dài trong vòng sáu tháng và tăng quá 30% so với khung giá đất của Chính phủ quy định thì phải bắt buộc điều chỉnh giá. “Anh không điều chỉnh thì sẽ vi phạm, cái này quy định của luật nên bắt buộc phải làm” - ông Cường nhấn mạnh.
Nên có giải pháp hợp lý cho dân Theo luật sư Trương Công Sơn (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), với quy định này, người dân sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều, TP nên sớm có kiến nghị đến Bộ Tài chính, Thủ tướng để có giải pháp hợp lý cho dân. Phương án đề xuất: Trong hợp đồng chuyển quyền SDĐ có ghi rõ số tiền còn nợ và đã được quy đổi ra số lượng vàng 98% tại thời điểm ghi nợ. Như vậy, số tiền nợ các hộ dân phải trả sẽ căn cứ theo giá vàng 98% của Nhà nước tại thời điểm trả nợ, quy đổi từ vàng ra tiền để thanh toán. Đồng thời đối với những hộ dân chậm trả theo hợp đồng thì phải thanh toán thêm khoản tiền lãi theo lãi suất ngân hàng đối với khoản tiền chậm trả. Theo số liệu mới nhất, hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng còn 7.600 hộ dân nợ tiền SDĐ, trong đó có cả những hộ còn hạn và hết hạn. Trước đó, năm 2016, theo báo cáo của TP gửi Bộ Tài chính thì TP còn đến 6.500 hộ ghi nợ tiền SDĐ TĐC trước ngày 1-3-2011 còn nợ cả gốc lẫn lãi lên đến 1.200 tỉ đồng. |
Tác giả: HẢI HIẾU - LÊ PHI
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM