Vợ ung thư chăm chồng thần kinh
Cô Trần Thị Bé (sinh năm 1969 ở ấp Nhì, xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) mắc bệnh ung thư hiểm nghèo nhưng vẫn ngày đêm mưu sinh nuôi chồng và con nhỏ.
3 năm nay, chồng cô Bé bị bệnh thần kinh, không làm được gì nên mọi việc trong nhà đều do một tay cô quán xuyến. Lúc còn đủ sức khỏe, hàng ngày cô đi làm thuê, nhặt ve chai. Nhờ thế, cả nhà sẽ có bữa no, không sợ ôm bụng đói đi ngủ.
Người mẹ nghèo mang bệnh nặng vẫn nuôi chồng con |
Năm 2016 được cô Bé ví như năm đại hạn ập đến. Mẹ chồng qua đời, vừa chịu tang mẹ xong, cô phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất ổn. Trên ngực mọc mụn xì mủ đau nhức, khó chịu vô cùng. Đến bệnh viện khám, các bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra căn bệnh ung thư vú ác tính.
Ngay lập tức, cô nhập viện điều trị và cắt bỏ một bên ngực. Trong thời gian này, cô Bé điều trị được 6 toa thuốc hóa chất. Thời gian đầu đều nhờ vào sự hỗ trợ của người thân và tiền vay mượn. Lúc bớt bệnh về nhà, cô lại tranh thủ kiếm tiền để nuôi chồng và con.
Đến nay, bên ngực trái của cô có dấu hiệu tái bệnh. Tuy nhiên, nợ nần vẫn còn, chồng con bữa no bữa đói, cô Bé không biết xoay sở đâu ra tiền chuẩn bị cho ca mổ sắp tới.
“Nhiều đêm nằm ở hành lang bệnh viện tôi không ngủ được. Trong đầu cứ miên man suy nghĩ, nếu không có tiền chữa bệnh thì cha con nó sẽ ra sao. Có lúc tôi tính về nhà rồi sống được ngày nào hay ngày ấy nhưng rồi chị em cùng cảnh lại giữ tôi ở lại vì về thì càng sớm xa chồng con”, cô Bé nghẹn ngào.
Gia đình cô Bé thuộc diện hộ nghèo của địa phương |
Nhặt ve chai, lông vịt mưu sinh
Sau khi mổ lần thứ nhất, bác sĩ khuyên cô Bé chỉ nên làm việc nhẹ, không được xách quá 5kg. Vậy nhưng người đàn bà nghèo khó ấy không thể kiêng giữ được.
Mỗi lần được về nhà, cô lại cố gắng dắt cậu con trai 10 tuổi theo mình đi thu mua ve chai. Một mẹ một con dựa vào nhau, được gì hay nấy. Bây giờ cô không còn tiền để đi mua ve chai nên chỉ đi nhặt về bán. Đi qua rìa đường, thấy có vỏ lon, bìa giấy, cô cẩn thận thu lại mong kiếm được vài ngàn đồng.
|
Có những người hiểu được bệnh tật và hoàn cảnh của cô, thương tình, họ chỉ cho mà không lấy tiền. Chịu khó cặm cụi nhưng cô Bé cũng chỉ kiếm đủ bữa ăn hàng ngày cho chồng con chứ không dôi dư ra đồng nào chữa bệnh.
"Mỗi lần lên viện, bà con lối xóm gom góp mỗi người cho dăm chục, một trăm. Tôi cảm động lắm. Nhưng ca mổ sắp tới đây thì tôi không còn biết kiếm đâu ra tiền nữa". Bất lực, cô chỉ còn cách làm đơn cầu cứu tới bạn đọc VietNamNet, hy vọng vượt qua được cơn hoạn nạn.
Ông Dương Văn Phồi, Phó bí thư ấp 2 cho biết: “Hoàn cảnh nhà chị Bé khó khăn vô cùng. Chị Bé bị bệnh nhiều năm nay, chồng thần kinh không ý thức được gì, lơ lơ lửng lửng. Họ có một cô con gái mới 17 tuổi đã bỏ nhà đi. Gia đình họ thuộc diện hộ nghèo, Nhà nước cấp cho cái nhà, chúng tôi cũng hỗ trợ thường xuyên nhưng cũng chỉ gọi là động viên”.
“Tôi ráng tìm cách sống thêm đặng trông thằng con lớn thêm chút nữa. Cứ nghĩ tới cảnh tôi có mệnh hệ gì, bố con ổng sống thế nào mà lòng càng thêm đau đớn. Đứa con gái lớn bỏ đi lâu nay, giờ tôi cũng chẳng biết nó làm gì ở đâu. Tôi đã nghèo lại phận bạc. Lần này tôi đi cầu cứu không được nữa thì cũng đành chấp nhận”, cô Trần Thị Bé khóc nấc.
Mọi đóng góp có thể gửi về: Gửi trực tiếp: Cô Trần Thị Bé ấp Nhì, xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. SĐT: 01655 017 432 |
Tác giả: Đức Toàn
Nguồn tin: Báo VietNamNet