|
Tuổi 21 ‘đội lốt’ 23
Với đội hình có độ tuổi trung bình 21.1, đoàn quân của HLV Gong Oh Kyun là đội bóng trẻ thứ 9 ở VCK U23 châu Á 2022. Thành phần chính của U23 Việt Nam là những cầu thủ lứa U21 pha trộn với những cầu thủ vừa tham dự SEA Games 31. Sở hữu nhiều cái tên xa lạ và thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế, đoàn quân của U23 Việt Nam bị đặt nhiều dấu hỏi về khả năng tiến sâu ở giải đấu lần này.
Trái với những sự nghi ngờ, dưới tài ‘nhào nặn’ của HLV Gong, U23 Việt Nam đã khiến cho người hâm mộ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Đó là một lối chơi khác biệt hoàn toàn so với những gì mà thầy Park đã xây dựng trong suốt 4 năm qua. Đã từ rất lâu, người ta mới lại thấy một đội tuyển Việt Nam thi đấu trên cơ Thái Lan, khiến cho Hàn Quốc ‘chết hụt’ và đưa Malaysia ‘ra sân bay’ một cách thuyết phục.
|
Với đa số các cầu thủ đều chưa quá tuổi 21, HLV Gong Oh Kyun đã tạo nên một đội bóng thực sự đáng xem và mang đến rất nhiều kỳ vọng cho tương lai. Cần phải nhấn mạnh lại, đó là điều rất ít người có thể hình dung trước khi giải đấu bắt đầu. Dù cho hành trình của U23 Việt Nam trên đất Uzbekistan đã phải dừng lại ở vòng tứ kết nhưng hi vọng và niềm tin của chúng ta vào tập thể này không dừng ở đây.
Những Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cương, Vũ Tiến Long, Khuất Văn Khang hay Lê Văn Trường đều ghi được dấu ấn trong hành trình đã qua của U23 Việt Nam tai VCK U23 châu Á 2022. Tất cả đều là những cầu thủ rất trẻ và đầy tiềm năng. Những trải nghiệm quý báu trên đất Uzebekistan sẽ giúp cho các cầu thủ tích lũy thêm được kinh nghiệm, bản lĩnh khi bước ra một sân chơi chuyên nghiệp. Các nhân tố này vẫn đủ tuổi để tiếp tục chinh chiến tại chu kì SEA Games và AFC U23 tiếp theo, và đó mới là chu kì hướng tới Olympic 2024.
‘Chưa đủ tuổi’ đá V.League
Có một thực tế đáng buồn, những nhân tố nổi trội của U23 Việt Nam ở chiến dịch lần này có rất ít đất diễn ở cấp CLB. Chẳng hạn như trường hợp của Nhâm Mạnh Dũng, người có thời lượng ra sân thuộc top đầu của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2022. Theo thống kê từ Soccerway, cầu thủ 22 tuổi chỉ mới có 214 phút thi đấu suốt 4 năm qua trong màu áo của CLB Viettel.
Một trụ cột khác của đội U23 Việt Nam là Vũ Tiến Long dù đang thuộc biên chế của CLB Hà Nội nhưng cũng chỉ mới có 4 lần ra sân tại giải hạng Nhất khi thi đấu cho CLB Phù Đổng ở giải hạng Nhất 2021. Còn với Phan Tuấn Tài, anh cũng chỉ mới có 1 lần ra sân cho Đắk Lắk ở mùa giải năm nay.
|
Vài cái tên khác đang thi đấu ở giải hạng Nhất là Công Đến, Văn Đô, Minh Bình cũng chỉ mới được thi đấu 2-3 trận trong màu áo đội chủ quản. Mọi thứ còn khắc nghiệt hơn đối với những cái tên đang thi đấu tại V.League. Ngoài Việt Anh, Thanh Bình, Hoàng Anh đã khẳng định được tên tuổi của mình, những cầu thủ còn lại như Văn Tùng, Quang Nho, Văn Khang,… đều chưa có một lần được hít thở bầu không khí chuyên nghiệp ở giải đấu hàng đầu Việt Nam. Thậm chí, những cái tên như Hoàng Anh, Hai Long, Mạnh Dũng,.. muốn được đá vài phút V.League còn phải chờ ‘thời cơ đặc biệt’.
Phải nhắc lại, những gương mặt kể trên đã chứng minh được giá trị bản thân trong màu áo đội U23 Việt Nam. Tại đó, họ luôn cố gắng, năng nổ thi đấu khi được HLV Gong Oh Kyun trao cơ hội. Tiến Long, Tuấn Tài, Văn Chuẩn hay Văn Khang là những cái tên đã ‘bước ra ánh sáng’ sau chiến dịch trên đất Uzbekistan. Nhưng liệu sau giải đấu lần này, tương lai của các cầu thủ trẻ ở cấp CLB có sáng sủa hơn?
Không phải môi trường bóng đá chuyên nghiệp, hầu hết những cái tên của U23 Việt Nam ở giải đấu lần này chỉ được cọ xát thông qua các giải đấu ở cấp U19, U21 Quốc gia. Việc thiếu đi tính cạnh tranh ở môi trường chuyên nghiệp khiến cho nhiều nhà chuyên môn lo ngại về sự phát triển của lứa cầu thủ này trong tương lai.
Còn nhớ sau trận hòa 2-2 của ĐT Việt Nam với U22 Việt Nam vào tháng 12/2020, HLV Park Hang Seo đã đề nghị VFF và VPF có cơ chế để các CLB V.League cho cầu thủ trẻ ra sân nhiều hơn. Tuy nhiên, ý kiến của nhà cầm quân người Hàn Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều HLV trong nước thời điểm đó như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ,… Tất cả đều chỉ ra cái khó về áp lực thành tích và chất lượng giải đấu - điều mà những nhân tố trẻ chưa chắc bảo đảm.
Trong quá khứ, đã có thời điểm LĐBĐ Việt Nam (VFF) đưa ra điều luật, mỗi CLB phải cho 3 cầu thủ dưới 23 tuổi vào sân để tạo cơ hội cọ xát cho các cầu thủ trẻ. Dĩ nhiên, các CLB ngay lập tức phản đối phương án này của VFF. Và kể từ đó, các cầu thủ trẻ thường xuyên bị đẩy xuống giải Hạng Nhất thi đấu dưới dạng cho mượn thay vì được trao cơ hội ở đội Một. Điển hình là lò HAGL từng cho đội CAND mượn 11 cầu thủ ở mùa giải trước, hay lò Hà Nội liên tục “tiếp quân” cho Quảng Nam, Phố Hiến,…
Chuyện về tấm ‘vé vớt’ cho cầu thủ trẻ
Các cầu thủ trẻ Việt Nam vốn đã không có nhiều sân chơi để trải nghiệm, thi đấu và tích lũy kinh nghiệm. Nghĩ đi nghĩ lại, nếu muốn bóng đá Việt Nam phát triển, tiệm cận đẳng cấp với các đội bóng hàng đầu châu lục, các CLB cần nghiêm túc hơn trong công tác đào tạo trẻ, vạch ra những chiến lược rõ ràng nhằm phát hiện và ươm mầm những tiềm năng. Và quan trọng hơn hết là các đội bóng sẵn sàng trao cơ hội cho những hạt giống của mình, để họ có cơ hội ‘đâm chồi nảy lọc’, tích lũy được kinh nghiệm cũng như năng lực bản thân.
|
Ở mùa giải năm nay, với ảnh hưởng từ Covid-19, ban tổ chức V.League cho phép các đội được đăng ký tối đa 35 cầu thủ thay vì 30 người như các mùa bóng trước đây. Điều này cho phép 13 CLB tham dự đôn thêm những nhân tố trẻ từ tuyến dưới, trong số đó có người lên đội 1 khi mới 16 tuổi (thủ môn Văn Tiến của SHB Đà Nẵng), HAGL đăng ký đến 15 cầu thủ sinh năm 2000 trở về sau. Những cái tên như Văn Tùng, Tiến Long cũng được CLB Hà Nội đăng ký ở mùa giải năm nay.
Đây được xem như là những tấm ‘vé vớt’ cho các cầu thủ trẻ Việt Nam. Tấm vé ấy sẽ mở ra thời cơ và thách thức đối với các cầu thủ trẻ, để họ cọ xát, thử lửa nhiều hơn với môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Qua đó, khẳng định tên tuổi và cống hiến nhiều hơn trong tương lai.
Tác giả: Huỳnh Tấn Thọ
Nguồn tin: nguoiduatin.vn