Giải trí

Vĩnh biệt NSƯT Quang Thái-chiến sĩ biệt động Tư Chung

Tin NSƯT Quang Thái - người vào vai trùm tình báo Tư Chung trong seri phim truyện điện ảnh màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn” - qua đời đã khiến nhiều nghệ sĩ cũng như công chúng xúc động.

Từng gắn bó sâu đậm với sân khấu, nhưng tên tuổi nghệ sĩ Quang Thái thực sự trở nên vang danh khi bén duyên với những tác phẩm điện ảnh. Ra đi ở tuổi 83 sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, tên tuổi của ông hẳn sẽ còn được lưu nhớ lâu dài trong lòng công chúng...

Hồi năm 2005, tôi có may mắn được tiếp xúc, trò chuyện với NSƯT Quang Thái để thực hiện một bài viết nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng Sài Gòn. Khi ấy, nghệ sĩ Quang Thái mới gần 70 tuổi, còn nhanh nhẹn hoạt bát, phong độ và mẫn tiệp.

Ông có dáng người cao lớn, nước da trắng sáng hồng hào, gương mặt rất xi- nê. Nghệ sĩ Quang Thái có phong thái ôn nhu, gần gũi, có cái nhìn thấu hiểu và bao dung đối với người trẻ. Sự từng trải của ông, những nỗi buồn đau vất vả, mất mát bên cạnh những vinh quang tỏa sáng trong cuộc đời dường như đã khiến ông có cái nhìn thật bình thản, thật cân bằng và thấu tỏ với những gì diễn ra quanh mình.

Vai trùm tình báo Tư Chung của NSƯT Quang Thái in đậm trong lòng nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.

Tôi nhớ mãi những ấn tượng tốt đẹp về ông - một người mà trước đó khi còn ngồi trên ghế nhà trường - tôi vẫn nghĩ rằng mình thật khó có cơ hội diện kiến, chuyện trò, bởi nghĩ đơn giản ông là một ngôi sao quá nổi tiếng. Tôi nhớ hình ảnh hào hiệp của ông khi đợi tôi ở đầu con ngõ vào nhà ông - con ngõ nằm sâu trên phố Đê La Thành mà ông cho rằng tôi gặp khó khăn khi tìm nó. Tôi cũng nhớ gương mặt tươi sáng, nụ cười hồn hậu tươi vui của ông khi tiễn tôi ra cổng và chỉ cho tôi một lối đi tắt qua một con ngách, có thể đi xuyên ra được đường Ngọc Khánh để về nhà.

Một lần khác cách đây mấy năm, khi qua báo chí tôi được biết ông vừa trải qua một cơn bạo bệnh, do tôi không gọi được điện thoại nên đã tự ý đến nhà ông với mong muốn thực hiện một bài viết tiếp theo về ông. Nhưng hôm đó, có một người phụ nữ tuổi chừng ngoài 50 đã kiên quyết không cho tôi vào nhà gặp ông, dù tôi có nói khó đến thế nào. Tôi đành buồn bã ra về.

Sau này tôi mới biết, đó là người vợ kế tiếp đã về làm bạn già với ông bấy lâu nay. Kể chuyện này cứ như mới đâu đây, vậy mà người đã thành thiên cổ, và vừa thành một nhúm tro tàn an táng chốn ngoại thành Hà Nội. Và tôi cứ luyến tiếc mãi cái đận ấy, bởi lẽ nếu được trò chuyện với ông thêm một lần nữa, biết đâu tôi còn biết được nhiều điều hơn nữa về con người của ông trong cuộc sống đời thường, chứ không chỉ là một diễn viên hào hoa, lấp lánh trên màn ảnh...

Nghệ sĩ Quang Thái khi đó đã kể với tôi rằng, sau khi vợ ông, mẹ của 4 đứa con của ông mất, ông đã có những năm tháng rất nhiều buồn lo. Chính sân khấu đã đem đến cho ông niềm vui sống, cho ông những khoảnh khắc thăng hoa trên những mối lo toan cơm áo gạo tiền, lo lắng làm sao nuôi cho con cái khôn lớn trưởng thành. Nhưng đó là những năm tháng chiến tranh, ông và đoàn phải đi công tác triền miên, con cái phải để lại hậu phương cho mẹ già chăm sóc.

Và đến khi có vai diễn trong “Biệt động Sài Gòn”, khi đó ông đã 45 tuổi, đã phải vắng nhà triền miên suốt 4 năm để hoàn thành vai diễn của bộ phim này. Tôi vẫn nhớ ông kể rằng, để diễn tả hết nội tâm của nhân vật Tư Chung, ông cảm thấy mình như một diễn viên xiếc đang thực hiện động tác khó là đi trên một sợi dây, để rồi đến khi về được đích thì khán giả cũng vỡ òa phấn khích, còn diễn viên thì thở phào nhẹ nhõm.

Cũng giống như “người tình màn ảnh” của mình - diễn viên Thanh Loan - nghệ sĩ Quang Thái luôn cảm thấy biết ơn đạo diễn Long Vân, vì đã dành cho mình một vai diễn thật đặc biệt - một vai diễn mà bất cứ một diễn viên nào cũng mơ ước có được trong cuộc đời mình.

Nhưng sở dĩ nghệ sĩ Quang Thái có được vai diễn này cũng là bởi những ấn tượng tốt đẹp mà ông đã để lại trong lòng đạo diễn Long Vân khi vào vai kỹ sư Dương Tấn trong phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu” mà ông đã hợp tác với đạo diễn Long Vân trước đó. Cũng rất lạ là, mặc dù tôi đã có nhiều lần trò chuyện với đạo diễn Long Vân, nhưng chưa bao giờ ông có một điều gì phàn nàn về những diễn viên đã làm việc với mình, đặc biệt là các diễn viên trong phim “Biệt động Sài Gòn”.

Quả thực, thế hệ 8X như chúng tôi, nếu nhắc đến NSƯT Quang Thái với tư cách là diễn viên kịch - nguyên Trưởng Đoàn Biểu diễn 2 của Nhà hát Kịch Việt Nam - thì hầu như chẳng ai biết, chứ chưa nói gì đến thế hệ “hậu sinh” tiếp sau nữa. Nhưng nhắc đến nhân vật Tư Chung trong phim “Biệt động Sài Gòn” thì chắc hẳn rất nhiều khán giả trẻ tuổi hôm nay vẫn còn biết đến.

Cùng với nhân vật ni cô Huyền Trang (NSƯT Thanh Loan), Ngọc Mai (NSƯT Hà Xuyên), Sáu Tâm (NSƯT Thương Tín), Năm Hòa (NSƯT Bùi Cường), bộ phim “Biệt động Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân ngày ấy đã đạt được thành công vang dội. Hai nhân vật chính là ni cô Huyền Trang và chiến sĩ biệt động ngầm Tư Chung được công chúng vô cùng ái mộ.

Dường như, cả nghệ sĩ Quang Thái và nghệ sĩ Thanh Loan đều bị “chết vai” với hai nhân vật này: người ta gọi Quang Thái là Tư Chung và gọi Thanh Loan là ni cô Huyền Trang ngay cả khi gặp họ trong cuộc sống đời thường. Chính nghệ sĩ Thanh Loan cũng có lần thổ lộ rằng, sau này bà nhận được nhiều lời mời đóng phim, nhưng bà từ chối bởi vẫn chưa thấy có một kịch bản nào, một nhân vật nào hay hơn ni cô Huyền Trang trong “Biệt động Sài Gòn”, và bà cũng muốn được khán giả mãi nhớ đến mình trong vai diễn ấy.

Có lẽ điều này với NSƯT Quang Thái cũng có điểm tương đồng. Sau “Biệt động Sài Gòn”, người ta luôn chỉ nhắc đến ông với vai Tư Chung, còn sự nghiệp gắn bó với sân khấu trước và sau đó dường như đều trở nên mờ nhạt trước thành công rực rỡ này. Có thể đến nay, số khán giả được xem NSƯT Quang Thái biểu diễn các vở kịch gắn bó với sự nghiệp diễn viên của ông còn rất ít.

NSƯT Quang Thái (người ngồi) và NSND Doãn Châu trong vở kịch “Đôi mắt”.

Nhưng, đó lại chính là những vở kịch từng làm nên tên tuổi “Anh cả Đỏ” của Nhà hát Kịch Việt Nam từ những ngày còn non trẻ vẫn đang được lưu giữ trong phòng truyền thống của nhà hát như vai Sergei trong “Câu chuyện Iec-scut”, vai Ranf trong “Hòn đảo Thần Vệ nữ”, Tixafe trong “Vụ án người đốt đền”, Bottom trong “Giấc mộng đêm hè”...

Có lẽ vì có ngoại hình chuẩn, thanh âm tròn vành rõ chữ nên diễn viên Quang Thái dù không phải là một diễn viên kịch được đào tạo bài bản, chính quy lại có nhiều vai diễn xuất thần và đầy đam mê với nghề. Chính vì thế, những nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam như NSND Doãn Châu, NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Tú Mai, NSƯT Chiều Xuân... đều dành cho lão nghệ sĩ Quang Thái những tình cảm tốt đẹp. Thậm chí, qua báo chí, NSND Doãn Châu còn đề nghị các cơ quan văn hóa cần có những việc làm thiết thực để tôn vinh NSƯT Quang Thái thành NSND bởi những đóng góp lớn lao của ông cho sự nghiệp sân khấu - điện ảnh nước nhà.

Nhưng để làm được điều này, chắc hẳn cần có một cơ chế đặc biệt, đặc thù dành cho nghệ sĩ. Bởi lẽ, nếu xét danh hiệu chỉ dựa trên tiêu chí Huy chương rất nhiều thiệt thòi. Bởi vì, ở thời tỏa sáng của các cây đại thụ ấy, làm gì có nhiều kỳ cuộc liên hoan sân khấu mà gặt hái Huy chương để dùng làm căn cứ xét tặng danh hiệu như bây giờ.

Trong những năm tháng làm phóng viên văn hóa - văn nghệ của mình, tôi có may mắn được gặp gỡ nhiều nghệ sĩ lớn mà không bao giờ “màng” đến danh hiệu. Họ cứ âm thầm làm việc, âm thầm đóng góp, chưa bao giờ nghĩ mình cần đến một thứ danh hiệu nào đi kèm. Một trong số ít nghệ sĩ như thế, không ai khác chính là đạo diễn Long Vân - cha đẻ của bộ phim điện ảnh màu đầu tiên lừng lẫy trong kho tàng điện ảnh nước nhà mang tên “Biệt động Sài Gòn”.

Ngoài ra, ông còn là đạo diễn của những bộ phim nổi tiếng như “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Giải phóng Sài Gòn”... nhưng ông vẫn chưa một lần làm hồ sơ đề nghị phong cho mình một danh hiệu nào, trong khi nhiều người lại lầm tưởng “cây đa cây đề” như ông hẳn phải là NSND từ lâu rồi. Đạo diễn Long Vân thường nói rằng: “Danh hiệu của tôi nằm trong lòng khán giả!”, nhưng cơ duyên thế nào, điều này có vẻ cũng đúng với 2 diễn viên chính trong phim “Biệt động Sài Gòn” - bộ phim lớn nhất, danh tiếng nhất, kỳ công nhất và hao tổn sức lực nhất của ông - là nghệ sĩ Quang Thái và Thanh Loan, cũng có rất nhiều người lầm tưởng họ đã là... NSND.

Để kết thúc bài viết này, tôi chỉ muốn nói một điều thay lời tiễn biệt một nghệ sĩ lớn mà tôi yêu quý, tôn trọng rằng: “Còn gì cao quý hơn, còn phần thưởng nào đáng yêu hơn khi người diễn viên đã mãi mãi đi xa, mà vai diễn của họ vẫn sống mãi trong lòng khán giả...”.

Tác giả: Nguyệt Hà

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP