Trong nước

Biệt động Sài Gòn - Gia Định đi vào lịch sử

Chiến công lừng lẫy của chiến dịch Mậu Thân 1968 với những đóng góp to lớn của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã đi vào lịch sử, để lại nhiều bài học vô giá

Bộ Tư lệnh TP HCM và Ban Tuyên giáo TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm".

Đỉnh cao nghệ thuật tác chiến

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM, khẳng định thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã để lại cho dân tộc ta những bài học lịch sử vô giá.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Thành đội phó Sài Gòn - Gia Định

Thiếu tướng Võ Văn Cổ, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7, cho biết trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động đảm nhiệm các mũi chủ công đánh vào các cơ quan đầu não của đối phương, tạo hiệu lực chiến đấu cộng hưởng lớn lao chưa từng có, gây chấn động trong dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Chiến thắng đó đã góp phần quan trọng đánh bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa… Theo Thiếu tướng Võ Văn Cổ, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật chiến đấu biệt động trong TP về sức đột phá tiến công, về nghệ thuật chiến đấu mang tính đặc thù trong lòng địch và đặc biệt là tinh thần, ý chí của cán bộ, chiến sĩ.

Lực lượng đặc biệt trên chiến trường đặc biệt

PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết trước giờ G ngày 31-1-1968, Đội 5 biệt động thành là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ gồm 17 người đã nổ súng vào mục tiêu trọng điểm là Dinh Độc Lập. Bị địch phản kích dữ dội, Đội 5 đã buộc phải triển khai đội hình chiến đấu như bộ binh trên đường Nguyễn Du với quân địch đông gấp nhiều lần. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt đã diễn ra đến tận sáng mùng 3 Tết, vượt xa kế hoạch 2 giờ đánh giữ mục tiêu được giao. Dù phải dùng sở đoản song với mưu trí và lòng dũng cảm vô song, Đội 5 đã tiêu diệt 2 xe Jeep, gần 50 tên địch nhưng đã có 10 người hy sinh, còn lại bị thương và bị bắt…

Cũng theo ông Phan Xuân Biên, tuy có một số đơn vị biệt động không tiếp cận được mục tiêu được giao và đã phải chịu sự tổn thất to lớn, song lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã mở đầu xuất sắc cuộc tổng tiến công ở Sài Gòn, lập công đầu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các trận đánh vào cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh của địch đã gây tiếng vang lớn, tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, thôi thúc khí thế chiến đấu của quân và dân, xứng đáng là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng…

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Thân Thị Thư, hội thảo đã làm nổi bật nhiều vấn đề, khẳng định Biệt động Sài Gòn - Gia Định là đội quân sinh ra từ nhân dân, nghĩa tình của lực lượng vũ trang nhân dân. Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một lực lượng đặc biệt trên một chiến trường đặc biệt với một cách đánh đặc biệt…

Biết ơn, chăm sóc gia đình người có công

Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động, cho biết: "Đã 50 năm qua, điều trăn trở và cũng là món nợ chưa trả đối với đồng chí, đồng đội trong lực lượng biệt động là 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân vào 5 mục tiêu nhưng đến nay chỉ tìm được 1 hài cốt. Còn hài cốt của 63 cán bộ chiến sĩ, qua nhiều năm và bằng rất nhiều nguồn thông tin, cũng chưa thể tìm được. Ông Độ mong muốn nhận được sự giúp đỡ của nhà nước và quân đội trong việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hy sinh, để quy tập về Nghĩa trang TP.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có những tổng kết sâu hơn nữa về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là những chiến sĩ chiến đấu mà không có số hiệu, không có tổ chức hậu cần của quân đội. Bí thư Thành ủy ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, nhất là về chế độ chính sách. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Thường vụ Thành ủy luôn gìn giữ phát huy thành quả cách mạng, tri ân và có những chăm lo thiết thực đối với gia đình những người có công cách mạng.

Tượng đài bất tử

Nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải nhìn nhận Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang TP, ra đời như một tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân, là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, hoạt động chiến đấu giữa sào huyệt, trung tâm đầu não của địch, lập nên những chiến công vang dội, làm chấn động trong nước và thế giới. "Năm tháng sẽ qua đi nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng, với TP mang tên Bác, những chiến công vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 sẽ sống mãi với các thế hệ Việt Nam, sẽ mãi mãi tạc vào lịch sử một tượng đài bất tử. Đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của khí phách Việt Nam, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng và trường tồn của dân tộc, của nghệ thuật giành chủ động, tạo bí mật, bất ngờ, biết đánh và biết thắng" - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Tác giả: Trường Hoàng

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP