Thông báo lùi giờ bay của Vietjet Air được anh Toàn chụp lại. |
Anh Toàn cho biết, do nhu cầu công việc nên anh thường xuyên phải di chuyển giữa TP Đà Nẵng vào TP HCM và ngược lại. Để tiết kiệm chi phí di chuyển, anh đã chọn hãng hàng không giá rẻ Vietjet. Tuy nhiên, đến ngày hôm qua (11/7), sau một số chuyến bay với hãng này anh đã phải quyết định từ bỏ nhu cầu bay giá rẻ.
Nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do cung cách làm ăn “lôm côm” của hãng hàng không Vietjet Air mà anh và không ít hành khách khác gặp phải. Mới đây nhất phải kể đến chuyến bay đêm 11/7 mang số hiệu VJ640 Sài Gòn - Đà nẵng của Vietjet mà anh sử dụng.
Theo đó, thông tin vé mà hãng này xuất cho anh Toàn thì giờ bay là 22h05 đêm 11/7. Tuy nhiên, đến gần giờ bay, hãng này lại ra thông báo mới đẩy lịch bay đến tận 23h50. Nguyên nhân được hãng này đưa ra là do: “Máy bay đến trễ”.
Cũng theo phản ánh của anh Toàn, trước đó, trong chuyến bay từ Đà Nẵng vào Sài Gòn đêm 10/7, anh và nhiều hành khách trong chuyến bay này cũng đã bị lùi giờ bay đến 4 lần.
Cụ thể, lịch bay theo vé là 23h45 nhưng sau đó khách hàng nhận được thông báo lùi sang 23h55, đến gần giờ bay, Vietjet thông báo lùi giờ tiếp sang 0h15 và đến 1h thì khách mới được lên máy bay.
Anh Toàn cho biết, trong các chuyến bay anh đi của hãng hàng không Vietjet thì gần như chuyến nào cũng bị trễ giờ. Anh bức xúc nói: “Sau chuyến này tôi không bay Vietjet nữa”.
Giờ bay cũ theo thông tin vé mà anh Toàn và nhiều hành khách khác trên chuyến bay VJ640 đặt mua. |
Trước đó, như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, một khách hàng khác đã làm đơn khiếu nại Hãng hàng không Vietjet Air lên Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không, Thanh tra Bộ GTVT...
Khách hàng đứng đơn khiếu nại hãng hàng không Vietjet là bà Đỗ Thị Tuyến, ngõ 96, phố Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội. Bà Vân khiếu nại việc thu phí của hãng Vietjet đối với các thành viên trong gia đình bà khi sử dụng dịch vụ bay của đơn vị này.
Bà Tuyến cho biết, ngày 9/6, gia đình bà đi chuyến bay từ Đà Nẵng về Hà Nội, vé chuyến bay này có số hiệu là VJ502. Thủ tục check in được thực hiện tại quầy số 41.
Gia đình bà gồm 4 người gồm hai vợ chồng và hai con, số hành khách này đã hoàn thành thủ tục check in và ký gửi hành lý. Sau đó hoàn thành thủ tục kiểm tra an ninh và di chuyển ra cửa số 7 để lên máy bay.
“Tại cửa số 7, nhân viên của Vietjet Air hướng dẫn gia đình tôi quay lại quầy dịch vụ của hãng này để làm thủ tục bay chuyến sau. Một kiện hành lý ký gửi của gia đình tôi đã được nhận viên Vietjet tiếp nhận để lên chuyến bay VJ502 sau đó được chuyển lại để bay chuyến VJ 506” - bà Tuyến cho biết.
Khi xử lý thủ tục để đi chuyến sau, gia đình bà Tuyến được thông báo là phải nộp thêm 440.000 đồng/người, tổng cộng 4 người phải nộp hết 1.760.000 đồng với lý do là lên máy bay chậm.
Anh Hưng, chồng chị Tuyến cho biết, anh cảm thấy không được công bằng khi hãng hàng không Vietjet đối xử với gia đình anh trong trường hợp này. “Gia đình tôi đến sớm, xếp hàng theo thứ tự để làm thủ tục check in và đã hoàn thành mọi thủ tục theo quy định.
Chuyến bay đêm 10/7, anh Toàn và nhiều hành khách khác bị hãng Vietjet Air đẩy lùi giờ đến 4 lần. |
Khi di chuyển ra máy bay thì mới được thông báo là ra chậm giờ, lúc này tôi vẫn thấy chiếc máy bay của hãng đậu ở đường dẫn ra từ cổng số 7. Ngày hôm đó khách quá đông và ai cũng phải xếp hàng, nếu chen lấn, nhảy cóc thì quá vô duyên nên gia đình tôi nghiêm túc chờ đến lượt.
Những tưởng hoàn tất các công đoạn liên quan và di chuyển ra máy bay nữa là xong, ai ngờ...”.
Anh Hưng đặt hàng loạt câu hỏi về sự bất thường trong vụ việc này. Theo đó, thông thường, nếu hành khách chậm giờ thì quầy check in sẽ đóng và không tiếp nhận, xuất vé, nhận hành lý ký gửi. Còn ở đây, hãng đã hoàn thành các thủ tục nhưng vẫn không cho hành khách lên máy bay.
Sau khi gửi đơn, anh Hưng chưa hề nhận được trả lời chính thức nào từ Bộ GTVT, Cục hàng không và Vietjet Air. Còn về thông tin trả lời của hãng này trên báo chí về vụ việc, anh Hưng cho rằng: “Cái chúng tôi cần là sự công bằng”.
Theo anh Hưng, khi khách bị trễ thì hãng đè cổ ra thu tiền, hủy vé buộc khách phải mua vé mới và tìm mọi cách để tận thu, còn khi khách bị hãng chậm chuyến thì việc đền bù không tương xứng.
Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến các sự việc nêu trên tới độc giả.
Tác giả: Việt Thúy
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội