Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan trong giai đoạn 2011-2017, Việt Nam nhập 528.200 xe hơi nguyên chiếc các loại với giá trị khoảng gần 11,7 tỷ USD. Riêng xe con dưới 9 chỗ chiếm tỷ trọng hơn một nửa với số lượng 236.520 xe, giá trị gần 3,1 tỷ USD.
Lượng ôtô dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam giai đoạn 2011-2017. (Nguồn: Tổng cục Hải Quan) |
Giá trị trung bình xe con nhập về Việt Nam trong 2011-2015 khoảng 11.000 USD/xe. Hai năm tiếp theo, con số này tăng lên và mức cao nhất thiết lập trong 2017 với giá trị 18.487 USD/xe. Những năm 2016, 2017 lượng xe nhập khẩu giảm được đánh giá bởi thị trường chứng kiến sự phát triển mạnh của xe lắp ráp, ví dụ Mazda, Kia.
Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc là những quốc gia xuất khẩu xe con chủ yếu vào Việt Nam trong bảy năm qua. Năm 2018 đánh dấu mức thuế nhập khẩu xe hơi 0% nếu đáp ứng điều kiện nội địa hóa nội khối ASEAN từ 40% trở lên, hai quốc gia Đông Nam Á vươn lên trở thành nơi xuất khẩu chủ yếu vào Việt Nam.
Những ràng buộc từ Nghị định 116 với yêu cầu Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) khiến xe nhập khẩu về nước rơi vào cảnh ảm đạm trong quý I/2018, đạt 4.217 xe, giảm đến 84% về lượng so với cùng kỳ 2017. Thái Lan nhờ đáp ứng giấy VTA sớm nhất nên xe hơi nước này chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối.
Một lô hàng nhập khẩu từ Thái Lan về cảng ở TP HCM. Ảnh: Vũ Đoan. |
Ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam sau hơn 20 năm hình thành vẫn cho thấy những bước đi chậm rãi với mục tiêu thúc đẩy sản xuất trong nước. Tỉ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất ôtô còn ở mức thấp, trong khi xe nhập khẩu vẫn ồ ạt về Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp xe hơi trong nước từng đặt mục tiêu đạt mức nội địa hóa với xe 9 chỗ là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Nhưng đến 2017, tỷ lệ bình quân chỉ dừng khiêm tốn ở mức 7-10%. Con số ở nước láng giềng Indonesia là 60-70%, Thái Lan lên đến hơn 80%. Toyota Innova là mẫu xe được xem có tỉ lệ nội địa hóa linh kiện cao nhất, nhưng cũng chỉ ở mức 37% và bán ở Việt Nam từ 2006.
Để đẩy mạnh sản xuất nội địa và tạo động lực cho các hãng lắp ráp trong nước, Chính phủ ban hành Nghị định 116 với những điều khoản siết chặt hoạt động nhập khẩu ôtô. Bên cạnh đó là Nghị định 125 đề cập việc ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% nếu các hãng sản xuất xe con (dưới 9 chỗ, động cơ 2,5 lít trở xuống) đảm bảo hai điều kiện: sản lượng chung từ 8.000 xe trở lên và một mẫu xe cam kết phải từ 3.000 xe trở lên (cho giai đoạn nửa đầu 2018).
Bộ Công Thương trong 2017 cũng có đề xuất miễn thuế TTĐB cho phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước. Phần giá trị này chưa có công thức tính nhưng khả năng cao bao gồm linh kiện, chi phí khấu hao máy móc, nhà xưởng, nhân công... Trường Hải, Hyundai Thành Công và mới nhất Vinfast là những công ty nổi lên trong khoảng hai năm trở lại đây với tiềm lực kinh tế, ưu tiên các sản phẩm lắp ráp phục vụ nhu cầu nội địa và xa hơn là xuất khẩu. Đây là ba hãng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng tạo thế vững chãi cho ngành công nghiệp bốn bánh trong nước.
2018 là mốc điểm quan trọng của ngành ôtô Việt bởi nhiều chính sách dồn lực đưa sản xuất nội địa sang trang mới. Quãng thời gian trước đó như một cuộc chạy rốt-đa chưa mang lại những hiệu quả như kỳ vọng. Xe nhập khẩu vẫn đổ về Việt Nam trong thời gian tới khi các vướng mắc về thủ tục đang được các hãng ráo riết đáp ứng.
Tác giả: Thành Nhạn
Nguồn tin: Báo VnExpress