Kinh tế

Vì sao thị trường xăng dầu vẫn chưa ổn định?

Giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, tình trạng đóng cửa cây xăng, mua bán nhỏ giọt lại tái diễn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Vì sao câu chuyện này đã xảy ra khoảng 1 năm vẫn chưa được giải quyết triệt để?

Nhiều cây xăng tư nhân đóng cửa trong dịp Tết vừa qua.

Doanh nghiệp bán lẻ vẫn kêu lỗ

Trong giai đoạn trước, trong và sau Tết âm lịch, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm soát thị trường xăng dầu. Nhiều cửa hàng xăng dầu ở các tỉnh, thành như Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc bị phạt tiền 15 triệu đồng/cửa hàng vì hành vi ngừng bán hàng mà không xin phép. Hiện tượng này không mới mà đã xảy ra từ thời điểm sau Tết Nguyên đán năm 2022.

Trong suốt cả năm 2022, tình hình các cửa hàng xăng dầu bán dưới giá nhập, khiến cho các chủ cửa hàng căng mình chịu lỗ đã được nhiều cơ quan báo chí, chuyên gia đề cập. Điều này dẫn đến việc Chính phủ đã yêu cầu và cho phép Bộ Công Thương rà soát sửa đổi theo hướng rút gọn nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu để chấm dứt tình trạng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa cục bộ. Tuy nhiên, theo nhận định của các chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (DNBL), tại dự thảo mới nhất quy định về kinh doanh xăng dầu, vấn đề cốt yếu gây ra tình trạng đóng cửa cây xăng chưa được giải quyết triệt để.

Mới đây (ngày 31/1), đại diện các DNBL ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước (có số lượng cửa hàng bán lẻ chiếm trên 50% tổng số cửa hàng bán lẻ của cả nước với gần 9.000 cửa hàng) đã có cuộc làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để phản ánh về tình trạng gồng lỗ duy trì hoạt động trong suốt năm 2022 và kéo dài đến tận thời điểm này của năm 2023.

Theo các DNBL, tình trạng các cửa hàng đóng cửa cục bộ xảy ra ở nhiều tỉnh, thành thời gian gần đây bắt nguồn từ lý do trọng yếu nhất là mức chiết khấu bằng 0, tức là tất cả các cửa hàng bán lẻ càng bán càng lỗ và nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhỏ đã... đầu hàng, dừng bán vì không “kham” được tình hình “chưa đi buôn đã biết lỗ”.

Được biết hôm qua (ngày 1/2), đại diện cộng đồng DNBL đã gửi đơn tới Thủ tướng. Trong đơn, đại diện nhóm DN này cho rằng, nghị định về kinh doanh xăng dầu có nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến DNBL thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Theo một chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn cao điểm của thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cục bộ năm 2022 “đúng là chỉ xảy ra đóng cửa ở khối cửa hàng tư nhân, các cửa hàng bán lẻ của Nhà nước vẫn phục vụ đều đặn và không có chuyện giới hạn số lượng mua. Nhưng dù vậy, việc khan hiếm vẫn xảy ra, tình trạng đổ dồn về các cây xăng Nhà nước gây nên tình trạng xếp hàng dài chờ đến lượt mua đã và vẫn sẽ xảy ra nếu tình trạng các cây xăng tư nhân tiếp tục thua lỗ và đóng cửa”.

Kiến nghị gỡ vướng về chiết khấu, nguồn hàng

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc, đại diện nhóm cộng đồng DNBL xăng dầu cho rằng, nếu không đưa quy định chiết khấu cho DNBL vào nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu thì tình trạng các cây xăng tư nhân đóng cửa sẽ tiếp tục xảy ra bởi dù xăng dầu đã được điều chỉnh tăng giá trong nhiều kỳ điều chỉnh nhưng tình trạng “chiết khấu 0 đồng” vẫn tiếp diễn.

Ông Giang Chấn Tây lý giải, mặc dù theo quy định, trong giá thành xăng dầu do Nhà nước quy định đã có lợi nhuận định mức nhưng mức lợi nhuận này nằm trong giá thành bán lẻ cuối cùng của xăng dầu. Các thương nhân phân phối căn cứ vào giá để đưa ra chiết khấu cho DNBL. Nếu có lãi, thương nhân phân phối sẽ chiết khấu hài hòa lợi ích với DNBL. Nếu lãi ít, thậm chí chưa đủ chi phí kinh doanh, mọi thiệt hại về giá đều đổ lên DNBL. Do đó, cần phải sửa đổi nội dung chiết khấu, quy định cụ thể về vấn đề chiết khẩu bán lẻ.

Cụ thể, theo vị Giám đốc này, cần có quy định cụ thể về chi phí kinh doanh định mức ở cả 3 khâu gồm nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, trong đó bán lẻ được quy định tối thiểu 3,5% trên giá bán. Lợi nhuận định mức cũng được phân bổ cụ thể theo từng khâu trên thị trường để DNBL cuối cùng có thể được chủ động hưởng quyền lợi kinh doanh chứ không chỉ chờ đầu mối quyết định mức chiết khấu.

Ngoài ra, theo đại diện cộng đồng DNBL, quy định về kinh doanh xăng dầu cần bỏ yêu cầu “mỗi cửa hàng chỉ được lấy hàng từ một thương nhân phân phối”. Quy định này theo ông Tây “vô lý” vì thương nhân phân phối thì được lấy hàng từ 3 đầu mối mà DNBL lại chỉ được lấy hàng từ một đầu mối khiến DNBL rơi vào “thế yếu”, chỉ có thể lấy hàng và nhận chiết khấu từ một đầu mối duy nhất. Nếu đầu mối duy nhất này bị rút giấy phép kinh doanh thì các cửa hàng bán lẻ biết xoay nguồn ở đâu để bán?

Vấn đề nữa được cộng đồng DNBL xăng dầu phản ánh là thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ để cạnh tranh với DNBL và được hưởng quá nhiêu quyền lợi về giá bán cũng như được chủ động nguồn hàng nhiều nơi. Các DN kiến nghị, để tháo gỡ thị trường xăng dầu cần phải giải quyết dứt điểm chuyện chiết khấu bán lẻ và nguồn hàng cho DNBL.

Tác giả: Hoàng Tú

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP