Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, năm 2009, công ty xuyên Thái Bình Dương được cấp phép xây dựng dự án tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza, tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Là 1 trong số 5 cổ đông của công ty Xuyên Thái Bình Dương nhưng do không đủ tiềm lực tài chính nên khi đó công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land có chủ trương thoái vốn tại công ty xuyên Thái Bình Dương.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN |
Lúc này, thông qua sự môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty cổ phần Minh Ngân) đã tìm gặp lãnh đạo PVP Land đặt vấn đề mua lại toàn bộ cổ phần của doanh nghiệp này tại công ty xuyên Thái Bình Dương.
Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) đã chỉ đạo cấp dưới bán hơn 12 triệu cổ phiếu cho phía ông Bình với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế, cũng như nghị quyết của HĐQT công ty này ấn định.
Việc bán cổ phiếu đã giúp Phong rút ruột được 10 tỷ đồng, chiếm hưởng cá nhân. Trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land với giá thấp hơn để hưởng chênh lệch, Đào Duy Phong khai, ông ta nhận được ý kiến chỉ đạo từ Trịnh Xuân Thanh, khi đó là Chủ tịch HĐQT PVC.
Theo lời khai của Phong, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bán giá cao, nhưng thể hiện trong hợp đồng thấp hơn vài giá để chia nhau phần chênh lệch. Phong đã thông báo lại cho cấp dưới để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội cho rằng, lời khai trên của Đào Duy Phong là không có cơ sở để xác định.
Đến ngày 28/6/2016, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Bình mức án chung thân. Bị cáo Phong 6 năm và bị cáo Duy 5 năm tù giam... Sau đó, các bị cáo trong vụ án của Bình đã làm đơn kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày 15/3/2017 tại TAND Cấp cao tại Hà Nội, trên cơ sở lời khai của các bị cáo và các đối tượng có liên quan, cùng lời khai của Trịnh Xuân Thanh, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Đào Duy Phong đại diện PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại công ty xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn thị trường, hưởng khoản tiền chênh lệch từ 8 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho PVP Land trên 87 tỷ đồng.
Xét thấy hành vi của Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm có dấu hiệu tham ô tài sản, nên HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định khởi tố hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh cùng 7 đồng phạm khác về tội tham ô tài sản theo quy định tại điều 278 bộ luật Hình sự.
Như vậy, hành vi tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã xảy ra từ năm 2010, nhưng đến năm 2017 mới bị khởi tố.
Khai báo gian dối?
Tại phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tham ô, một số luật sư trình bày về việc, quá trình điều tra vụ án trước đây bỏ lọt tội phạm, sau 7 năm mới lại tiến hành khởi tố điều tra đối với Trịnh Xuân Thanh.
Về việc này, quan điểm của đại diện VKS cho rằng: Quá trình điều tra vụ án trước đây, các bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó TGĐ công ty cổ phần đầu tư Vietsan), Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Thương mại Dầu khí Sông Đà) và Trịnh Xuân Thanh khai báo gian dối, chưa rõ về hành vi của Thanh và Thắng, nên CQĐT chưa đủ căn cứ để khởi tố điều tra.
Quá trình điều tra lại vụ án, căn cứ vào lời khai của Hương phù hợp với lời khai của Thắng và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác, CQĐT đã khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng về tội tham ô tài sản là có căn cứ.
Vẫn theo đại diện VKS, sau khi CQĐT khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại công ty 1/5, bị cáo Hương yêu cầu và Thắng đã gọi điện bảo Trịnh Xuân Thanh trả lại 14 tỷ đồng. Sau đó Thắng đến văn phòng của Thanh nhận lại vali tiền chuyển lại cho Hương.
Theo lời khai của Thắng, sau khi Thanh trả lại tiền, anh ta nói Thắng bảo Hương giữ bí mật về việc đã chuyển tiền cho Thắng và Thanh, coi như dòng tiền mới chỉ đến tới Hương chứ chưa đến Thắng và Thanh. Về số tiền 19 tỷ đồng này, nên hợp pháp hóa bằng khoản mua bán cổ phần với nhau.
Tác giả: T.Nhung
Nguồn tin: Báo VietNamNet