PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, hiện tượng rối loạn tiêu hóa của trẻ em sau Tết là rất phổ biến. Rối loạn tiêu hóa ở đây không chỉ là đi ngoài, đi ngoài phân sống, mà trẻ bị đầy bụng, chướng hơi, ăn không ngon, hay táo bón, đi ngoài phân sống.
|
Bởi trong những ngày Tết, mọi thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn. Thay vì các bữa ăn đúng giờ giấc với đủ các thành phần dinh dưỡng tinh bột, đạm, chất béo, rau xanh như ngày thường, ngày Tết trẻ thường bị hụt bữa bởi trẻ ăn vặt, khi thì cái kẹo, lúc cái bánh, nước ngọt khiến bụng trẻ lúc nào cũng lưng lửng.
“Việc trẻ không được ăn đúng giờ, đúng bữa như ngày thường, ăn vặt nhiều đồ ngọt là căn nguyên gây ra sự thay đổi nhịp làm việc của bộ máy tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến việc hấp thu thức ăn, rồi bộ máy tiêu hóa quá tải khiến nhiều trẻ sau dịp Tết bị rối loạn tiêu hóa triền miên, đi ngoài phân sống uống đủ loại men không khỏi”, PGS Dũng nói.
BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chỉ ra nguyên nhân trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong và sau tết bởi chế độ ăn hàng ngày bị thay đổi. Ngày tết, nhà nào cũng có mứt, bánh kẹo, nước ngọt, hạt dưa, hạt bí,..Trẻ dùng nhiều nước ngọt, bánh kẹo, dùng trước bữa ăn sẽ dẫn tới chán ăn khi đến bữa ăn. Hạt dưa, hạt bí và một số loại hạt khác dễ bị hư hỏng, mốc, mứt và bánh kẹo không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Tết cũng là ngày để sum họp đầy đủ các thành viên trong gia đình, đặc biệt những người đi làm xa nhà, xa quê. Khi đi bố mẹ thường mang theo trẻ nhỏ, chính việc đi lại nhiều trong ngày tết mà bữa ăn và giấc ngủ của trẻ bị đảo lộn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe đường tiêu hóa, mà còn dễ khiến trẻ ốm. Vì vậy, phong tục rất tốt chỉ khi các bà mẹ chủ động, quan tâm, chăm lo đến bữa ăn, giấc ngủ và giữ đủ ấm khi thời tiết thay đổi để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Để xử lý tình trạng này, cha mẹ phải hết sức kiên trì để lặp lại nhịp sinh hoạt thường ngày cho hệ tiêu hóa của bé.
Theo đó, hãy bắt đầu duy trì giờ giấc ăn uống như cũ cho trẻ, ăn đúng bữa ăn với lượng ít hơn ngày thường. Không ép khiến trẻ sợ ăn. Chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp. Không nên cho bé ăn vặt giữa các bữa, để bé không bị ngang dạ, có cảm giác thèm ăn sẽ kích thích tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Ngoài ra có thể sử dụng men tiêu hóa, kèm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
"Hãy kiên nhẫn với chế độ ăn này và đúng giờ đúng giấc các bữa ăn, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ dần trở lại làm việc như nhịp cũ và tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng sẽ hết. Cho trẻ uống oresol nếu trẻ đi ngoài nhiều. Trẻ nhỏ có thể ăn cháo với các loại thịt thăn, thịt bò, thịt gà", PGS Dũng nói.
Chuyên gia cũng khuyến nghị, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong dịp Tết, cần cho trẻ ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ. Sức khỏe của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi. Không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước,... đề phòng tiêu chảy.
Hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo, uống các loại nước ngọt làm cho trẻ chán ăn đặc biệt trước bữa ăn. Khi phải đi xa cần chuẩn bị quần áo đề phòng thời tiết thay đổi: nắng nóng, lạnh, mưa phùn... làm trẻ dễ mắc bệnh.
Tác giả: Hồng Hải
Nguồn tin: Báo Dân trí