Qua tìm hiểu, hầu hết những cán bộ kiểm lâm ở tỉnh Quảng Nam xin nghỉ việc đều lớn tuổi, muốn được nghỉ hưu sớm để hưởng chế độ 1 lần. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh giản biên chế, trẻ hóa đội ngũ. Tuy vậy, nhiều người đặt câu hỏi tại sao trước đây địa bàn miền núi đi lại khó khăn, trang bị cho lực lượng kiểm lâm cũng chẳng có gì nhưng họ vẫn gắn bó với ngành như vậy?
Anh Trần Duy Minh, kiểm lâm viên, Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sông Thanh cho biết, 14 năm lăn lộn với ngành, đã có 10 năm anh gắn bó với rừng đặc dụng Sông Thanh. Nhiệm vụ được giao là quản lý bảo vệ rừng, tuần tra truy quét nên hầu như nơi nào cũng in dấu chân anh. Bước vào ngành kiểm lâm, theo anh Minh là chấp nhận cuộc sống hiểm nguy, xa gia đình, sinh hoạt không theo “quy luật”.
Kiểm lâm ngày nay được trang bị nhiều phương tiện bảo vệ hơn nhưng không ít trường hợp vẫn thấy mỏi mệt. |
Anh Minh trầm tư kể lại những lúc đối mặt với lâm tặc, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh. Theo anh Minh, sắp tới khi tỉnh Quảng Nam áp dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, bảo vệ rừng thì cán bộ ngành không chỉ giỏi đi rừng mà còn phải biết công nghệ thông tin, điều này cũng làm cho những người lớn tuổi không theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ.
Nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật sau vụ phá rừng ở Tiên Lãnh. |
“Đối với lực lượng kiểm lâm Quảng Nam, giai đoạn này hầu hết ai cũng cảm thấy mỏi mệt. Tại vì đối với mình thì sức khỏe còn đi rừng được chứ một số đồng chí lớn tuổi hơn 1 chút thì việc ở thường xuyên trong rừng rất là khó. Công việc áp lực, nặng nề lắm. Trong giai đoạn này thì nó “nóng”, đi rừng thì cứ hết chỗ này lại đi chỗ khác, không kịp”- anh Trần Duy Minh cho biết.
Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng lớn thứ 2 trong cả nước, với hơn 450.000 ha. Trong đó, diện tích rừng trồng khoảng 180.000 ha, còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Khu vực miền núi địa hình hiểm trở, có tới 142km đường biên giới giáp Lào. Theo Nghị định của Chính phủ về quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì biên chế kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc công chức Nhà nước, định mức biên chế tối đa 500 ha có một công chức kiểm lâm.
Nhiều nơi rừng bị phá xong nhưng kiểm lâm địa bàn không hay biết. |
Hiện nay, kiểm lâm địa bàn ở tỉnh Quảng Nam được bố trí theo xã, không quy định diện tích rừng tối thiểu để bố trí kiểm lâm địa bàn. Một số xã có diện tích rừng rất lớn nhưng chỉ được bố trí 1 kiểm lâm địa bàn. Người ít, địa bàn về phụ trách quá rộng khó hoàn thành được các yêu cầu của nhiệm vụ.
Ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho biết, đơn vị cũng đã nhận được 1 số đơn xin nghỉ việc của cán bộ công chức, viên chức. Thế nhưng, ngành vẫn chưa có kế hoạch tuyển dụng cán bộ thay thế, trong khi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ngày càng cấp thiết.
“Nghị định quy định rất cụ thể là với rừng đặc dụng thì tối đa không quá 500 ha/1 kiểm lâm. Nhưng hiện giờ như địa bàn Nam Giang thì khoảng 15.400 ha/1 kiểm lâm, gấp 30 lần. Việc đó thì chắc chắn phải dồn trên lưng 1 đồng chí kiểm lâm nhưng trước mắt bất luận thế nào cũng phải làm. Chuyện các đồng chí nghỉ cũng là bài toán nan giải. Trước mắt không xin thêm nhưng các đồng chí nghỉ thì phải bù đắp lại cho bằng. Hiện nay việc này chưa làm được, vì hiện nay đang trong giai đoạn tinh giảm biên chế”- ông Đinh Văn Hồng cho biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, việc một số cán bộ kiểm lâm làm đơn xin nghỉ việc một phần do thu nhập thấp. Chính điều này làm nảy sinh tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Thực tế nhiều vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian gần đây đều có “bóng dáng” kiểm lâm, hoặc là “tiếp tay”, hoặc “bật đèn xanh” để lâm tặc ngang nhiên phá rừng.
Một khi công tác quản lý, bảo vệ rừng đặt ra ở mức cao hơn, gắn trách nhiệm trực tiếp của thủ trưởng đơn vị cũng như kiểm lâm phụ trách địa bàn thì một số người không có được khoản “thu nhập thêm” ngoài lương. Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, rất có thể thu nhập thấp cũng là 1 trong những lý do khiến cán bộ kiểm lâm mệt mỏi.
“Mức lương của lực lượng kiểm lâm hiện nay rất thấp, nên không đảm bảo cuộc sống của anh em. Đây cũng là vấn đề nảy sinh tiêu cực. Vừa qua cũng có xảy ra một số cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc. Có trường hợp là có sức ép của một số cán bộ khác trong sử dụng gỗ trái phép làm ảnh hưởng đến anh em. Anh em rất khó xử lý. Để củng cố bộ máy này, trước mắt củng cố bộ máy lãnh đạo, sau đó củng cố lại lực lượng kiểm lâm”- ông Nguyễn Mạnh Hà nói.
Ngành Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam có gần 300 công chức, hơn 130 viên chức. Ngoài ra còn có hàng ngàn trường hợp thuộc diện hợp đồng. Con số này không ổn định mà tùy thuộc vào thỏa thuận giữa chủ rừng và người lao động.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ rừng với người lớn tuổi đôi khi còn khó hơn đi núi. |
Ông Trần Hồng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, cán bộ kiểm lâm phải đa năng. Nếu không tổ chức lại, không nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo vệ rừng, dù có tăng gấp đôi lực lượng rừng vẫn tiếp tục bị phá. Về thu nhập, ông Hồng cho rằng, hiện nay, chế độ chính sách đối với kiểm lâm viên cao hơn so với mặt bằng chung của cán bộ ngành nông nghiệp.
“Họ vừa hưởng công vụ, hưởng đặc thù của kiểm lâm. Kiểm lâm ở vùng xa còn có hệ số. Nguyên nhân một số người nghỉ là do áp lực công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm phải cao, những người không có khả năng quản lý, nếu tiếp tục cũng sẽ bị xử lý kỷ luật nên trong điều kiện này họ xin nghỉ”- ông Trần Hồng cho biết./.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo VOV