Tin địa phương

Vì sao người dân chưa đồng thuận với trả lời của Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng?

Sau khi báo Điện tử Congluan.vn phản ánh về việc Tổng Cục Thi hành án (THA) có văn bản yêu cầu làm rõ đơn tố cáo của ông Phạm Xuân Đạt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) xung quanh việc bao che cho Công ty Sông Vàng tẩu tán tiền, trốn tránh nghĩa vụ THA… Cục THADS TP. Đà Nẵng đã có văn bản trả lời sự việc.

Như báo Điện tử Congluan.vn đã thông tin ngày 19/10, Tổng Cục THA dân sự - Bộ Tư pháp đã có văn bản yêu cầu Cục trưởng Cục THA dân sự TP Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, rà soát làm rõ đơn của ông Phạm Xuân Đạt (sinh 1962, là người đại diện cho Công ty Cổ phần xây dựng Lũng Lô 2 và Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng hạ tầng Việt Nam - bên được thi hành án) phản ánh nhiều nội dung.

Văn bản phản hồi của Cục THA dân sự TP Đà Nẵng.

Trong đó có việc Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Hải Châu ban hành văn bản sai sự thật về số tiền trong tài khoản của Công ty Sông Vàng và chỉ đạo ủy thác THA không đảm bảo quy định của pháp luật. Đồng thời, phản ánh Cục trưởng Cục THADS TP. Đà Nẵng không giải quyết khiếu nại của ông Đạt đối với hành vi sai phạm của Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Hải Châu; không xem xét đơn thư của đại diện bên được THA; bao che cho ngân hàng và bên phải THA tẩu tán tiền từ nguồn kinh doanh để trốn tránh nghĩa vụ THA.

"Khiếu nại Chấp hành viên Cục THADS TP. Đà Nẵng: Cố tình không tuân thủ quy định của pháp luật về THA dân sự, không tổ chức xác minh theo điều 44 Luật THADS, ban hành thông báo số 1642/TB-CTHADS ngày 12/9/2018 không phù hợp quy định của pháp luật; không tổ chức thi hành bản án phúc thẩm số 19/2017/KDTM-PT ngày 26/6/2017 của Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng, gây thiệt hại cho người được thi hành án" - Văn bản nêu rõ.

Ngay sau đó, ngày 9/11, Cục THA TP Đà Nẵng có văn bản số 171/CV-THA do Cục trưởng Trần Phước Thu trả lời đơn khiếu nại của ông Đạt. Trong đó nêu, quá trình tổ chức THA, cơ quan THA dân sự đã tiến hành xác minh THA: Tại Trung tâm Đăng ký, giao dịch, tài sản tại Đà Nẵng cung cấp thông tin về đăng ký giao dịch đảm bảo đối với các hợp đồng: HĐ thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2006/NHTM-HĐTC ngày 13/12/2006, bên nhận thế chấp là Ngân hàng Agribank, Tổng Công ty tài chính CP Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (đều là chi nhánh Đà Nẵng- PV). Tài sản thế chấp của Cty Sông Vàng là Thủy Điện An Điềm II tọa lạc tại huyện Đông Giang và Đại Lộc (Quảng Nam).

Tại văn bản cung cấp thông tin về giao dịch đảm bảo ngày 21/3/2018 thì hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2006/ NHTM- HTC đã được thế chấp các thiết bị thủy điện An Điềm II vào thời điểm 19/11/2008. Phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 01/2013/NHTM-PLHĐTC ngày 20/12/2012 Ngân hàng Agribank với Công ty Sông Vàng. Tài sản thế chấp… trong đó có toàn bộ doanh thu bán điện của dự án thủy điện An Điềm 2.

Theo văn bản cung cấp thông tin về giao dịch đảm bảo ngày 14/6/2018 thì doanh thu bán điện của Công ty Sông Vàng thuộc loại tài sản không bắt buộc phải đăng ký thì mới có hiệu lực đối kháng với người thứ ba là tài sản thuộc loại đăng ký theo cơ chế tự nguyện.

Xác minh các hợp đồng tín dụng và phụ lục hợp đồng tín dụng giữa các tổ chức tín dụng ngân hàng Cty Sông Vàng thì Ngân hàng Agribank CN Đà Nẵng trả lời tại công văn số 263/NHNo- KHDN ngày 28/3/2018 như sau: Vốn vay ngân hàng là 253,736 tỷ đồng; Dư nợ gốc còn lại là 157, 959 tỷ đồng tính đến ngày 28/3/2018; Dư nợ lại là 6,464 tỷ đồng tính đến ngày 28/3/2018. Xác minh tại Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, tháng 7/2013 công ty đã ký hợp đồng mua khoản nợ từ 4 đơn vị còn lại và theo công văn số 220/CNĐN – P.MBN ngày 14/8/2018 của Cty mua bán nợ Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng thì đến 30/6/2018 Cty Sông Vàng còn nợ số tiền là 151,65 tỷ đồng, trong đó gốc là 122,568 tỷ đồng; lãi phát sinh là 1, 770 tỷ đồng; nợ lãi giãn 27,302 tỷ đồng.

Hiện nay, bên nhận thế chấp tài sản của Cty Sông Vàng là Ngân hàng Agribank Đà Nẵng với tỷ lệ tham gia 17,11% và Công ty mua bán nợ Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng tỉ lệ là 82,89%, trong đó Ngân hàng Agribank chi nhánh Đà Nẵng giữ vai trò ngân hàng đầu mối.

Vì thế, Cục THA dân sự TP Đà Nẵng cho rằng: Nợ còn lại của Công ty Sông vàng còn phải trả là rất lớn và lộ trình trả nợ hoàn toàn dựa trên cơ sở doanh thu tiền bán điện hàng tháng của công ty. Trong khi doanh thu từ việc bán điện hàng tháng không ổn định sau khi trừ các chi phí số tiền còn lại để thanh toán nợ gốc lãi theo tỉ lệ đã thỏa thuận cho các chủ nợ. Do đó giá trị tài sản trong trường hợp này thấp hơn nhiều so với nghĩa vụ được bảo đảm thì Cơ quan THA dân sự không được kê biên xử lý doanh thu tiền bán điện. Chỉ kê biên xử lý doanh thu từ việc bán điện của Công ty Sông Vàng để THA cho các chủ nợ khác khi giá trị tài sản đó lớn hơn khoản nghĩa vụ được đảm bảo theo quy định tại Điều 90 Luật THA dân sự.

Văn bản trả lời của Cục THA TP Đà Nẵng cho rằng đối với phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 01/2013/NHTM-PLHĐTC ngày 20/12/2012 Ngân hàng Agribank với công ty Sông Vàng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan THA.

Trên cơ sở văn bản của Tổng cục THA dân sự, Chấp hành viên đã ban hành Thông báo số 1642/TB-CTHADS ngày 12/9/2018 cho những người được thi hành án được biết đối với số tiền ngân hàng có thiện chí trích lại 10% từ tiền bán điện thì xử lý như sau: Trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận thì số tiền trên sẽ được chia theo tỉ lệ cho những người được thi hành án; Trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận thì chia theo tỷ lệ cho những người đã đồng ý trường hợp không có ai trong số những người được thi hành án đồng ý nhận thì Cơ quan thi hành án dân sự sẽ trả lại tiền cho bên nhận thế chấp. Và ông Đạt có văn bản phản hồi không đồng ý với toàn bộ nội dung thông báo Cục THA dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết không có cơ sở hủy thông báo này.

Nhìn nhận vấn đề trên theo góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thành Đá - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho rằng: Số tiền dư nợ còn lại của Công ty CP Thủy điện Sông Vàng như nêu trong công văn là không đúng. Bởi tổng dư nợ gốc phát sinh từ hợp đồng vay không thể nào vượt quá hạn mức cho vay cao nhất là 193 tỷ đồng do bên cho vay, cho Công ty CP Thủy điện Sông Vàng để thực hiện dự án theo hợp đồng tín dụng số 01/2006/NHTM-HĐTD ngày 13/12/2006. Ngoài ra, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Đà Nẵng đã khấu trừ thu nợ từ năm 2010 đến ngày 11/5/2018 với số tiền trên 250 tỷ đồng (theo trình bày của đại diện Công ty CP Thủy điện Sông Vàng tại cuộc họp ngày 11/5/2018) vì vậy số dư nợ gốc chắc chắn phải nhỏ hơn nhiều chứ không đúng như nội dung nêu trong công văn do Cục trưởng Trần Phước Thu ký ( 02 lần xác minh xem trang 2 của Công văn: “- Xác minh các hợp đồng tín dụng … theo công văn trả lời số 263… của Ngân hàng NN&PTNT CNĐà Nẵng như sau: Dư nợ gốc còn lại là 157 tỷ 959 triệu 038 ngàn…” và “Xác minh tạị Công ty TNHH mua bán nợ…theo công văn sô 220/CNĐN/P.MBN ngày 14/8/2018 thì đến ngày 30/6/2018 Công ty CP Thủy điện Sông Vàng còn nợ Công ty số tiền: 151 tỷ 645 triều…đồng”… tính đến ngày 28/3/3018. Như vây qua 02 lần xác minh tổng dư nợ gốc còn lại lớn hơn 308 tỷ đồng, số liệu này từ đâu ra, trong khi Ngân hàng NN&PTNT VN Chi nhánh Đà Nẵng chỉ cho Công ty CP Thủy điện Sông Vàng vay sô tiền 33 tỷ đồng ?

Và việc ông Cục trưởng Trần Phước Thu căn cứ theo biên bản xác mình thi hành án ngày 16/02/2017 (xem trang 1) là không phù hợp với việc thi hành án đối với bản ấn phúc thẩm số 19/2017/KDTM-PT ngày 26/6/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Vì thời điểm thực hiện biên bản xác minh ngay cả bản án sơ thẩm chưa được Tòa xét xử.

Về thời điểm xác minh đến ngày 28/3/3018 là rất khó để chấp nhận để một văn bản có giá trị pháp lý. Có thể do lỗi đánh máy nhưng với chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan Thi hành án thì đây là Văn bản pháp lý không cho phép có sai sót như vây. Lặp đi lặp lại 02 lần từ sai về văn bản của Ngân hàng…. Thời điểm xác minh sau 1000 năm thử hỏi có luật nào quy định như vây không?

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công Luận

  Từ khóa: Cục Thi hành án , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP