Di tích Nguyễn Du ở Tiên Điền
|
Những ngày cuối tháng 6/2020 chúng tôi trở lại Tiên Điền khi nơi đây đang chuẩn bị kỷ niệm 200 năm ngày mất và 255 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du. Ông Nguyễn Ban, Chi hội trưởng Văn học nghệ thuật huyện Nghi Xuân, người nhiều năm làm Trưởng phòng Văn hóa của huyện, là người nghiên cứu văn nghệ dân gian vừa được phong nghệ nhân, lại là hậu duệ đời thứ 6 của Nguyễn Du dẫn tôi vào khu lưu niệm. Làng Tiên Điền ban đầu có tên là Vô Điền sau đổi thành Hữu Điền, Tân Điền, Phú Điền rồi Xuân Tiên và nay là Tiên Điền. Tôi đã nhiều lần đến Tiên Điền, mỗi lần có thêm nhiều cảm xúc mới lạ.
Khu di tích, bảo tàng Nguyễn Du được bổ sung nhiều hiện vật quý giá. Đặc biệt có một bộ sách “Truyện Kiều” độc bản được đưa vào kỷ lục Guiness. Đó là cuốn sách do nhà thi pháp Nguyệt Đình ở Huế thực hiện. Ông Nguyệt Đình cũng là một nhà thơ đã bỏ ra hàng năm để thực hiện cuốn sách trên khổ giấy 1mx1,6m nặng 50kg.
Trong khu lưu niệm Nguyễn Du có cả một hệ thống các di tích còn lưu giữ đến hôm nay. Đó là đền thờ Nguyễn Du được xây dựng năm 1824, trước đây đặt trong khu vườn nhà Nguyễn Du thuộc thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền. Năm 1940 nhà thờ bị xuống cấp, Hội khai trí Tiến Đức hỗ trợ 420 quan tiền giao cho cụ Nguyễn Mai (đậu tiến sĩ năm 1904, cháu mười đời của họ Nguyễn Tiên Điền) chỉ đạo và giám sát di dời về đặt trong khu vườn gia tộc họ Nguyễn của thôn Hồng Lam. Đền thờ xây kiểu chữ đinh, nội thất còn lưu lại bài vị và lư hương bằng đá ghi tên tuổi, tước hiệu Nguyễn Du. Phía ngoài còn lưu giữ được nội dung bức đại tự với 4 chữ Hán “Địa linh nhân kiệt” và hai câu đối bằng chữ Hán, trong đó có câu của cụ Nghè Mai đề tặng: “Nhất địa tài hoa, vi sử, vi khanh sinh bất thiểm - Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc tử do vinh” (nghĩa là: Một đời tài hoa lúc đi sứ, lúc làm quan sống không hổ thẹn/Trăm năm sự nghiệp, việc nhà việc nước chết còn vinh). Ở đây còn lưu giữ nhà tư văn là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa, đàm đạo văn chương của các bậc hiền tài, nho sĩ trong vùng. Qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử và thời gian, nhà tư văn đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần trên nền đất cũ vẫn giữ được kết cấu của kiến trúc xưa.
Trong khu lưu niệm bạt ngàn màu xanh cỏ cây, hoa lá đặc biệt còn có hai cây cổ thụ, là cây muỗm và cây bồ lỗ trên 300 tuổi xanh tốt tỏa bóng mát một vùng. Ông Nguyễn Ban cho tôi biết thêm một chi tiết, ông nội của Nguyễn Du là Nguyễn Quỳnh đương thời làm nghề dạy học. Năm 1762, sau khi Nguyễn Nghiễm (thân sinh của Nguyễn Du) được phong tể tướng, ông Nguyễn Quỳnh lập đàn tế, dựng bia đá, tưởng nhớ công ơn sinh thành của tổ tiên.
Nguyễn Quỳnh vốn là nhà Nho, yêu thích thú điền viên. Vào đầu thế kỷ 18 cùng với sự hưng thịnh của dòng tộc, sự thành đạt của con cái, Nguyễn Quỳnh đã cho trồng 3 cây lớn ở trong vườn để hàng năm các con về quê làm nơi buộc ngựa. Một cây đã chết, còn lại hai cây cổ thụ trên. Ở đây, trước đền thờ Nguyễn Nghiễm dù năm 1954 bom Pháp đánh trúng nhà thượng điện và đồ thờ bị hỏng nhưng hai tượng khanh hầu và hai voi đá vẫn còn sừng sững như dấu ấn của thời gian vang vọng lại một thời xa xưa không thể mất, lưu danh của một dòng họ để cho văn học nước nhà có một tác phẩm bất hủ của một thi nhân kiệt xuất.
Bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du. |
Chúng tôi bồi hồi ra khu mộ đại thi hào để thắp hương, cắm hoa và rót rượu. Khu mộ mới được nâng cấp khang trang đẹp hơn nhiều. Ông Nguyễn Ban cho biết, Nguyễn Du mất năm 1820, mộ được an táng tại cánh đồng Bầu Đá, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1824, con trai thi hào là Nguyễn Ngụ vào kinh đô xin di dời về an táng trong khu vườn nhà tại thôn Thuận Mỹ.
Năm 1826, do những sự cố bất thường trong gia đình, Nguyễn Ngụ xin dòng họ dịch chuyển ra cạnh đó 500m. Hai năm sau, trong dòng họ lại có điều bất ổn, mộ lại được con cháu di chuyển ra khu nghĩa trang của xã tại xứ Đồng Cùng thuộc thôn Tiền Giáp, xã Tiên Điền. Ban đầu mộ xây bằng gạch chỉ. Năm 1965, Giáo sư Đặng Thai Mai và lớp học trò từ Hà Nội vào đặt mộ chí bằng đá. Năm 1979, mộ được xây dựng bia lớn, khuôn viên và từ năm 2000 - 2003 phần mộ của Đại thi hào được trùng tu và tôn tạo. Trên mộ thi nhân ngày nào cũng có hoa tươi, khuôn viên ríu rít tiếng chim và nắng vàng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Việt, người đã có bộ ảnh về mộ Nguyễn Du chụp cách đây mấy chục năm tặng tôi một tấm ảnh ngày đó.
Về bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du”
Tháng 3/1982 nhà thơ Vương Trọng lúc đó công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội được Quân khu 4 mời vào dự hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quân khu tổ chức ở thành phố Vinh. Vương Trọng rất mê Truyện Kiều. Ông bảo bởi mình mang họ của Thúy Kiều, tên của chàng Kim. Là dân Nghệ An rất gần với Hà Tĩnh nhưng ông chưa một lần tới Tiên Điền nên khi được ban tổ chức cho đi tham quan quê hương Nguyễn Du, ông thích lắm. Trên đường tới quê Nguyễn Du, ông hình dung ra một vùng di tích bề thế và khang trang. Vì trước đó ông nghe tin ngành văn hóa xây dựng khu bảo tàng Nguyễn Du năm 1965 nhân kỷ niệm ngày sinh đại thi hào. Nhưng thật bất ngờ tới nhà lưu niệm đại thi hào thì “Trước sau nào thấy bóng người”. Đợi mãi mới thấy một chị đang cuốc cỏ khoai, chân đất chạy qua vườn tìm chìa khóa mở cửa rồi giới thiệu sơ lược vài nét về ngôi nhà này sau đó dẫn đoàn ra thăm mộ Nguyễn Du. Đứng trước ngôi mộ “Sè sè nắm đất” giữa bãi tha ma của làng, cầm nắm hương trên tay không biết cắm vào đâu tự nhiên ông rơm rớm nước mắt.
Sau chuyến đi trở ra Hà Nội nhà thơ treo tấm ảnh của đoàn chụp trước mộ Nguyễn Du lên tường đối diện nơi ngồi làm việc. Ông lặng lẽ hàng giờ nhìn ảnh và nghĩ về kiếp tài hoa của bậc đại thi hào. Đó là đêm ngày 7/3/1982 thế rồi tự dưng ông thốt lên: “Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây” và lấy bút ghi vào cuốn sổ đang mở sẵn trên bàn. Nỗi buồn canh cánh trong lòng chực trào ra nghẹn lại. Bởi vậy khi viết bài thơ này ông không mảy may có ý định đăng báo mà chỉ ghi lại tâm trạng thật của mình. Ông mong viết xong bài thơ để dán dưới tấm ảnh, ngày nào cũng được ngắm như là trả xong một món nợ lòng. Khi viết xong 3 khổ đầu (mỗi khổ 6 câu). Ông đọc lại và nghĩ rằng: Có buồn đấy nhưng chưa đến nỗi nào nếu khổ cuối sáng lên một ít thì có thể gửi đăng báo được. Vì thế mà ông viết tiếp “Bao giờ cây súng rời vai/Nung vôi chở đá tượng đài xây nên”.
Thật may mắn khi năm 1983 báo Văn nghệ đăng một trang thơ cho tác giả tự chọn. Vương Trọng gửi bài “Bên mộ cụ Nguyễn Du”. Ông còn nhớ như in trang thơ sang trọng ấy tên bài được in màu xanh như màu cỏ trên mộ cụ Nguyễn Du. Nhà thơ Thanh Tịnh gọi ông sang phòng riêng sau khi khen bài thơ và cung cấp cho ông về đôi câu đối đã dẫn trên kia nhà thơ lão thành gốc Huế ham mê đồ cổ nói rằng: “Vương Trọng có biết không, phía dưới câu đối nhà vua còn ghi mấy chữ: Minh Mạng hoàng đế trang tặng” và bình luận thêm rằng trang tặng chứ không phải ban tặng đâu nhé chứng tỏ vua chúa ngày xưa cũng biết coi trọng nhà thơ.
Tác giả và nhà thơ Vương Trọng bên tượng Nguyễn Du. |
Sau khi bài thơ ra đời nhân dân các vùng mới biết được thực trạng của mộ thi hào lúc đó. Người thì viết thư gọi điện chất vấn bộ Văn hóa, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (lúc đó chưa tách tỉnh), người thì tổ chức các cuộc quyên góp để xây dựng lại mộ đại thi hào. Và thật kỳ diệu thay đến ngày “Cây súng rời vai” năm 1989 thì mộ Nguyễn Du được xây lại khang trang như bây giờ.
Nhà thơ Vương Trọng (Ngoài cùng bên phải) rót rượu lên mộ Nguyễn Du. |
Đến bức tượng Nguyễn Du bằng gỗ gù hương
Một lần giỗ Nguyễn Du, tôi may mắn được gặp anh Nguyễn Lê Huy, người đã tặng cho khu di tích bức tượng Nguyễn Du vô cùng đẹp. Lại càng ngạc nhiên khi biết Huy là con rể của ông Nguyễn Ban.
Nguyễn Lê Huy hiện làm việc tại công ty Bò sữa TH true Milk ở Nghệ An nên có nhiều dịp đi về các huyện miền núi. Anh lại có niềm đam mê với việc sưu tầm cổ vật về tượng. Thật bất ngờ khi anh gặp gốc gù hương khổng lồ mà người dân miền tây Nghệ An đào được và ý định tạc tượng Nguyễn Du được hình thành từ đó. Gỗ gù hương thuộc họ long não. Vì gù hương là quý hiếm nên bị khai thác triệt để trong nửa đầu thế kỷ 20, vì vậy trong tự nhiên đa phần chỉ tìm thấy ở dạng lũa hoặc gỗ tận dụng. Dạng gỗ ván với đường kính to là rất hiếm. Về bức tượng, Huy cho biết: “Tác phẩm là sự kết hợp giữa thiết kế về hình khối của pho tượng Nguyễn Du đã được hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện.
Anh Nguyễn Lê Huy bên bức tượng Nguyễn Du bằng gỗ Gù Hương. |
Nhưng khó nhất là thần thái. Em đã bàn với các nhà thiết kế tham khảo các tư liệu ảnh và truyền nhân của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Cụ thể lấy ảnh của cố Tới (cháu cụ Nguyễn Du) còn được lưu hình trong cuốn An Tĩnh cổ lục của một học giả người Pháp. Và trực tiếp là cụ Nguyễn Minh cháu trực hệ đời thứ 6 của Nguyễn Du hiện đang còn sống ở làng. Pho tượng được tạo hình với tay phải cầm bút, tay trái để ngang hông đôi mắt nhìn về cõi xa. Vạt áo cuốn lại với hình chữ Tâm bên cạnh là chiếc bàn với chồng sách và bình rượu. Cụ Nguyễn vốn mê rượu “Bầu rượu túi thơ”. Vì thế mà trong nhà lưu niệm còn giữ lại được cái nậm rượu bằng sứ và cái chén con của thi hào ngày còn sống. Tôi ngắm nhìn bức tượng với những nét chạm trổ khá tinh xảo và sống động đòi hỏi nghệ nhân không những có tay nghề cao mà còn có tâm hồn thi sĩ. “Ngoài sự đóng góp của tác giả bức tượng là nhà điêu khắc Trần Minh Châu đã bỏ ra bao tâm huyết công sức thì cần phải ghi nhận sự miệt mài lao động không kể thời gian của nhóm nghệ nhân Bắc Giang do anh Lê Văn Nghĩa chủ trì. Thời gian thực hiện bức tượng bắt đầu từ ngày 19/5/2015 và hoàn thành vào ngày 12/9/2015”, Huy cho biết thêm.
Vân Huyền – Con ông Nguyễn Ban (Hậu duệ đời thứ 6 Nguyễn Du) đang hướng dẫn đoàn Nhà văn Ru –Ma Ni tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Du cùng tác giả. |
Sau đó theo ý nguyện của gia đình Huy và bên vợ, bức tượng được tặng lại cho khu di tích đại thi hào Nguyễn Du. Tượng hiện được đặt ở vị trí sang trọng tại Tiểu Khê quán nằm trong khuôn viên của khu di tích. Bức tượng đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Pho tượng đại thi hào Nguyễn Du bằng gỗ gù hương lớn nhất”. Và có một điều đặc biệt nữa là hương gỗ rất thơm...
Quả như thế, từ pho tượng thoảng ra một mùi hương dìu dịu như hương của những trang Kiều đã làm say đắm bao thế hệ người Việt.
Tác giả: N.N.P
Nguồn tin: nguoiduatin.vn