Du lịch

Vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của thắng cảnh Hòn Cau

Vượt xa hơn 100km, PV Người Đưa Tin có mặt tại thắng cảnh Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong để ghi nhận những nét đẹp ở khu vực này.

Trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau còn có Đảo Hòn Cau (hay còn gọi là cù Lao Câu) với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn.

Hòn Cau là hòn đảo nhỏ thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, với diện tích khoảng 1,4km2, cách bờ 9km; được bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau nằm thành cụm, nhóm hoặc riêng lẻ như có sự sắp đặt của bàn tay con người, đẹp như bức tranh.

Theo quan sát, nước biển Hòn Cau trong vắt nhìn thấu tận đáy, quyến rũ như một viên ngọc lục bảo, đẹp mê hồn; một viên ngọc chưa được mài giũa xong.

Bao bọc quanh đảo là những rặng dừa cao lớn sum sê, với những tán lá dài thượt, xanh mát. Mỗi khi trời nổi gió, chính những hàng dừa cao vút ấy lại dang rộng “cánh tay” để bảo bọc lấy đảo nhỏ.

Nhiều du khách tìm đến Hòn Cau bởi vẻ đẹp hoang sơ, cảnh quan môi trường tự nhiên.

Chỉ cần đứng trên mặt nước chúng ta dễ dàng nhận thấy vẻ đẹp vô cùng kỳ diệu muôn màu, muôn sắc của những rạn san hô. Có loại lớn như một chiếc giường, có loại lại nhỏ bé, xinh xinh như một bông hoa nhỏ; có loại bạch ngọc trắng tinh khiết, giản dị, nhưng cũng có loại sặc sỡ đẹp đến tuyệt vời.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau có tính đa dạng sinh học cao, hội tụ nhiều loài hải sản quý hiếm như trai tai tượng, tôm hùm, hải sâm… và các rạn san hô có độ bao phủ cao, đa màu sắc, hình dáng phong phú; sở hữu rạn san hô nguyên thủy với nhiều chủng loại khác nhau.

Đặc biệt, đảo Hòn Cau là một trong ba địa điểm trên cả nước có rùa biển - loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang sinh sống và lên bờ sinh sản thường xuyên hàng năm.

Bên cạnh đó, trên đảo còn giữ lại một số di tích như: Giếng Tiên (hay giếng Gia Long) theo truyền thuyết là nơi vua Gia Long từng ghé lại uống nước; đền thờ thần Nam Hải (Đền thờ cá Ông) là nơi ngư dân tại các xã ven biển của địa phương tổ chức Lễ hội Cầu Ngư hàng năm...

Biển Hòn Cau rất đẹp và trong xanh (Ảnh:NV).

Với sự đa dạng, phong phú về tài nguyên sinh vật biển cùng cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nét văn hóa đặc thù của địa phương và vẻ đẹp hoang sơ của đảo Hòn Cau, trong những năm gần đây Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan mỗi năm.

Ông Nguyễn Phúc, khách du lịch đến từ Tp.HCM chia sẻ cảm nhận về vẻ đẹp của Hòn Cau: Khi đặt chân tới đảo tôi cảm nhận được một bầu không khí hoàn toàn khác, khác với rất nhiều bãi biển khác. Gió trên đảo luôn dịu dàng, biển xanh ngắt.

Thời tiết trên đảo không thường xuyên có mưa nhưng cây cối trên đảo vẫn nở hoa với nhiều loài vô cùng độc đáo. Nước biển ở đây xanh trong, đứng trên tàu có thể thấy tận đáy. Đặc biệt có rất nhiều đá, mang nhiều hình thù kỳ dị, màu sắc cũng biến đổi tùy theo ánh sáng mỗi ngày. Tôi nghỉ nơi đây là địa điểm du lịch lý tưởng tuyệt với đối với mọi người trên cả nước".

Du khách đi tham quan tại biển Hòn Cau.

Năm 2019, Khu bảo tồn biển Hòn Cau được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng. Mục tiêu của đề án là phát huy lợi thế của khu bảo tồn biển, phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp có sự tham gia của cộng đồng; từ đó tạo sinh kế cho người dân và nguồn tài chính phục vụ quản lý, bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản.

Đồng thời, góp phần quản lý chặt, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch, bảo tồn biển và tạo thêm điểm đến độc đáo cho du khách trong chuỗi các điểm đến hấp dẫn của địa phương để phát triển du lịch huyện Tuy Phong nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.

Thực hiện chương trình giám sát rác thải rạn san hô (Ảnh: MV).

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với Thắng Cảnh Hòn Cau tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Tuy Phong thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với Thắng cảnh Hòn Cau theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa. Đây là cơ sở trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thắng cảnh trong thời gian tới.

Với quyết định này, Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ được bảo vệ tốt hơn. Căn cứ vào Luật Di sản văn hóa, Hòn Cau hội đủ các yếu tố, giá trị khoa học về lịch sử, văn hóa, địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng sinh vật…

Sau khi xếp hạng di tích thắng cảnh cấp tỉnh sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị Khu bảo tồn biển Hòn Cau phục vụ phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập ngày 15/11/2010 với tổng diện tích 12.500 ha, bao gồm vùng biển 12.360ha và đảo Hòn Cau 140 ha.

Du khách trải nghiệm khu du lịch Hòn Cau.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Linh Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với thắng cảnh Hòn Cau là cơ sở pháp lý trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thắng cảnh về lâu dài.

"Về phía ngành du lịch cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá điểm đến, xây dựng các tour tuyến để phục vụ khách trên Hòn Cau. Và trong các tour tuyến đến với Hòn Cau, chúng tôi cũng chú trọng đến du lịch xanh. Nghĩa là phải xây dựng nhận thức của du khách khi lên đảo là phải ý thức tốt vấn đề bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc mang rác thải nhựa lên đảo, giảm thiểu các hoạt động tác động đến tài nguyên, cảnh quan", ông Vũ nói.

Du khách sẽ được chèo sup và lặn ngắm quần thể san hô đa dạng nơi đây. (Ảnh:MV).

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND huyện Tuy Phong xây dựng hồ sơ khoa học Thắng cảnh Hòn Cau

Các thành phần hồ sơ khoa học đã được thiết lập hoàn chỉnh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bao gồm: Tập lý lịch khoa học và ảnh khảo sát tả thắng cảnh; biên bản và bản đồ khoanh vùng bảo vệ thắng cảnh; bản đồ vị trí và chỉ dẫn đường đi đến thắng cảnh.

Tác giả: Nguyễn Đắc Phú

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP