Hôm 13-2, LĐBĐ Việt Nam (VFF) ra thông báo tuyển trợ lý ngôn ngữ mới cho HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang-seo. Điều này cũng có nghĩa mối lương duyên của trợ lý ngôn ngữ Phan Duy Tuấn và nhà cầm quân người Hàn Quốc đã khép lại.
Ông Phan Duy Tuấn là cựu sinh viên Khoa Đông phương học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM. Với kinh nghiệm sống và làm việc 8 năm ở xứ sở kim chi, ông Tuấn từng được kỳ vọng sẽ tạo nên sự gắn kết giữa đội ngũ ban huấn luyện người Hàn Quốc và các cầu thủ. Tuy nhiên, khá bất ngờ là ngoài công việc chuyên môn trên sân, ông Tuấn ít khi cùng HLV Park Hang-seo tham dự các buổi họp báo, trả lời phỏng vấn. Thay vào đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc lại đưa Chung Kyu-jin, một trợ lý ngôn ngữ đồng hương giỏi tiếng Anh đi theo để phiên dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh.
Trước thời ông Phan Duy Tuấn, trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo là ông Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng Trường Hàn ngữ Việt Hàn Kanata. Ông Khoa có chuyên môn tốt, được thầy trò HLV Park Hang-seo đánh giá rất cao và người hâm mộ cũng hài lòng vì được chứng kiến một người phiên dịch có khả năng truyền lửa ở những trận đấu lớn tại VCK U23 châu Á 2018 và ASIAD 2018. Thế nhưng, công việc phiên dịch của ông Khoa với đội tuyển Việt Nam cũng khép lại sau ASIAD 18, buộc lòng VFF phải thông báo tuyển người cho 2 chiến dịch AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019.
Ông Phan Duy Tuấn (giữa) đang nghe lời căn dặn của HLV Park Hang-seo trước khi dịch cho Quang Hải tại Asian Cup 2019. Ảnh: ANH KHOA |
Như vậy là lần thứ ba trong vòng 1 năm, VFF phải thông báo tuyển trợ lý ngôn ngữ mới. Lúc mới đến với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo có 2 tuần làm việc cùng ông Lê Huy Khoa nhưng sau đó lại đổi sang sử dụng trợ lý người Hàn Quốc Han Young-kuk. Nhưng sau khi cùng U23 Việt Nam tham dự Giải U23 quốc tế - M150 Cup tổ chức ở Thái Lan, HLV Park Hang-seo đã quyết định mời lại ông Lê Huy Khoa vì trợ lý Han không thể truyền tải được đầy đủ thông điệp mà ông muốn gửi gắm cho học trò.
Trong 3 trợ lý ngôn ngữ từng làm việc cùng ông Park, ông Lê Huy Khoa là người được đánh giá cao nhất về khả năng tạo ra sự liên kết giữa thầy và trò. Hiện nay việc tìm kiếm một nhà phiên dịch mới thông thạo tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh và đam mê bóng đá là điều không đơn giản. "Ở Việt Nam, giỏi tiếng Hàn Quốc thì nhiều nhưng nam giới lại chiếm số ít. Công việc phiên dịch ở đội tuyển lại không cần nữ. Chưa kể, những người thực sự đam mê bóng đá cũng không có nhiều, công việc ở VFF trong năm 2019 lại mang tính thời vụ. Theo tôi tìm hiểu, có một số người giỏi tiếng Hàn, tiếng Anh nhưng lại có công việc phiên dịch ổn định hết rồi nên cũng ngại thử sức ở VFF, dù chế độ lương và thưởng xét theo mặt bằng chung không thấp. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc tìm trợ lý mới sắp tới đây" - ông Lê Huy Khoa phân tích.
Ông Khoa cho biết trong trường hợp VFF tìm được người thích hợp để làm trợ lý ngôn ngữ, ông sẵn sàng chia sẻ lại những tư liệu về công việc thường nhật ở đội tuyển, những thuật ngữ chuyên môn để giúp trợ lý ngôn ngữ mới không mất nhiều thời gian làm quen với công việc tại đội tuyển.
HLV Park Hang-seo trực tiếp kiểm tra Theo ông Lê Huy Khoa, nhà cầm quân 60 tuổi người Hàn Quốc rất kỹ lưỡng trong việc tuyển chọn trợ lý ngôn ngữ. "Khi có danh sách các ứng viên, VFF và HLV Park Hang-seo sẽ kiểm tra từng người. Nhà cầm quân người Hàn Quốc đặt ra những giả định về chuyên môn, sau đó yêu cầu ứng viên dịch lại cho Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh và ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Phòng Các đội tuyển VFF. Nếu ứng viên không đáp ứng được thì sẽ bị từ chối ngay" - ông Khoa cho biết. |
Tác giả: Anh Dũng
Nguồn tin: Báo Người lao động