Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP phải xác định 10-15 nhà đầu tư lớn ở mỗi lĩnh vực, cử đoàn đến nước họ để gặp gỡ, chào hàng. Trong số đó mà chỉ cần 3-5 người tới đã là mừng rồi! "TP phải có chương trình kêu gọi các doanh nghiệp (DN) lớn thôi. Các DN "đại bàng" chắc mình phải tới "tổ" mời họ về, chứ ngồi đợi họ không đến đâu" - ông Nhân nhấn mạnh.
TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng thành quả kêu gọi đầu tư chưa được như mong đợi, chưa xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân có thể là do tư duy và cách làm của đội ngũ cán bộ chuyên trách chậm đổi mới, còn thụ động. 2019 là năm TP HCM xác định sẽ đột phá về cải cách hành chính và đổi mới - sáng tạo rộng khắp. Cải cách hành chính không chỉ là giảm thiểu thủ tục, đơn giản hóa các khâu cấp phép... mà đội ngũ cán bộ, công chức phải rời khỏi phòng lạnh, chịu khó đi thực tế nhiều hơn, chủ động tìm đến nhà đầu tư, chào mời và "kéo" họ về. Và đổi mới - sáng tạo không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực khoa học - công nghệ hay sản xuất - kinh doanh mà là phải đổi mới tư duy và hoạt động công vụ. Cán bộ đừng có suy nghĩ mình là "bề trên" nữa, ai cần thì tới tìm. Nhà đầu tư lớn luôn có nhiều lựa chọn, nhiều lời mời, vì thế muốn "bắt" được "đại bàng" thì phải tới tận "tổ" - như Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ví von.
Nhìn rộng ra 63 tỉnh - thành, có thể thấy rằng thu hút đầu tư chính là một trong những động lực để từng địa phương thực hiện cải cách. Đổi mới để cạnh tranh, để vươn lên; ngược lại sẽ giẫm chân tại chỗ, đồng nghĩa với tụt hậu. Tỉnh, thành nào còn duy trì bộ máy hành chính quan liêu, cửa quyền thì tỉnh, thành đó dứt khoát sẽ trì trệ.
Cách đây ít hôm, ngày 28-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018. Quảng Ninh năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu, Đà Nẵng từ vị trí thứ nhì của năm 2017 đã tụt xuống hạng 5 của năm 2018. Kết quả này phản ánh đúng tình hình Đà Nẵng khi phần đông cán bộ, công chức các sở, ngành TP này có dấu hiệu "thủ phận" bởi một loạt vụ việc liên quan đến Vũ "nhôm" bị hình sự hóa. Xếp hạng PCI 2018 dựa trên phản hồi của 12.000 DN, vẫn còn đáng lo khi có tới 58% số DN được khảo sát cho biết họ bị cán bộ thực thi công vụ nhũng nhiễu, 54% trả lời họ vẫn tốn phí "bôi trơn" để được việc.
Như vậy là tình trạng nhà đầu tư vác đơn đi hầu cửa quan, chờ xin - cho vẫn còn, khiến lãnh đạo nhiều tỉnh, thành day dứt. Thay đổi thực trạng ấy không phải quá khó, bằng chứng là Quảng Ninh và Đồng Tháp đã làm được. Quảng Ninh với sáng kiến "4 tại chỗ", Đồng Tháp chủ trương làm thương hiệu cho tỉnh nhà bằng sự thân thiện, chân thành của cán bộ, công chức. Chinh phục nhà đầu tư bằng sự nhiệt tâm của đội ngũ cán bộ thực thi công vụ, đó cũng là một cách "bắt đại bàng" vậy!
Tác giả: A.Q
Nguồn tin: Báo Người lao động