Mới bắt đầu vào vụ, hàng chục vạn cây keo giống "Ba Chính" đã được xuất bán
Cách đây hơn 40 năm gia đình ông di dân chuyển hộ từ xã Thanh Tường lên xã Thanh Mỹ là địa bàn rừng núi heo hút. Rừng thì bạt ngàn nhưng là của nhà nước. Trong cái khó khăn chung thì gia đình ông khó khăn hơn vì đông con, đồng lương hưu của một trung tá quân đội không đủ nuôi đoàn con đang tuổi ăn học. Đang trong giai đoạn khó khăn thì nhà nước thay đổi chủ trương giao đất rừng cho người dân khoanh nuôi bảo vệ. Ông đã mạnh dạn nhận 30ha. Bỏ ra rất nhiều công sức nhưng nguồn thu lại ít ỏi.
15 năm nay, kể từ khi trồng cây keo nguyên liệu, thấy được giá trị cây keo và bằng sự tháo vát của một người lính, ông đã khăn gói ra Bắc vào Nam tìm học nghề làm keo giống, mở các mối quan hệ trong chuyển giao kỹ thuật, mua bán các loại giống cây. Từ đó, ông tập trung làm cây giống.
Ông Ba với vườn cây keo giống chuẩn bị xuất bán
Ban đầu là san ủi đất lấy mặt bằng, rồi mua cây giống, tất cả các loại cây mẹ F1 đều được mua từ Viện cây trồng Trung ương. Mỗi mỗi mùa, mỗi loại cây. Vườn cây giống nhà ông có đủ loại cây nhưng nhiều nhất vẫn là keo và chè, đây là 2 loại cây dễ ươm và dễ bán nhất. Theo ông, để làm được nghề ươm cây ngoài kỹ thuật phải đầu tư làm giàn mái che, lắp đặt hệ thống phun tưới, nếu không cây sẽ không đem lại hiệ quả cao.
Vừa trồng rừng, vừa làm giống, ông hiểu được đặc tính và thường tư vấn cho người mua về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Các vườn cây giống của ông lại ở gần đường Hồ Chí Minh nên tiếng lành đồn xa, không chi người dân trong huyện mà có nhiều tập thể, cá nhân ngoài huyện, thậm chí ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa cũng tới để mua. Giá trị nhất là ông đã được huyện ký hợp đồng để cung ứng cây giống trồng 500ha chè ở các xã TĐC Thanh Sơn và Ngọc Lâm.
Chị Phan Thị Vinh - con dâu ông Ba, chủ vườn Dũng Vinh chăm sóc vườn chè giống
Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng: Với nguồn quỹ đất, nhân lực dồi dào, kinh tế lâm nghiệp đang là một bộ phận quan trọng để Thanh Chương phát triển kinh tế xã hội, việc có nhiều người dân như ông Lê Văn Ba ở xã Thanh Mỹ đã chủ động sản xuất cây giống để cung ứng cho bà con là một tín hiệu tốt rất đáng khích lệ, ghi nhận. Bởi nó không những cung ứng đủ yêu cầu mà còn tạo nên thị trường cạnh tranh để không đẩy giá cây giống lên cao, nhất là trong các thời vụ trồng cây.
Với giá mỗi bầu cây keo và chè là 500 đồng/ bầu, bình quân mỗi năm ông Ba xuất vườn khoảng 200 vạn bầu keo và 50 vạn cây chè, trừ chi phí thu về trên 1 tỷ đồng.
Vườn giống Ba Chính - địa chỉ tin cậy của người trồng rừng
Từ nguồn lợi ấy, những năm gần đây, ông đã gọi 5 người con trai đi làm ăn xa về huấn luyện kỹ thuật và giao việc. Từ một vườn ươm của ông có tên là Ba Chính nay đã có đến 5 vườn ươm mang tên các con ông như Duẩn Sáng, Danh Hồng, Dũng Vinh, Thành Thu. Các vườn giống ở liền kề kéo dài một vệt cạnh đường Hồ Chí Minh rất tiện lợi cho việc giao dịch mua bán vận chuyển. Có tiền và có thêm nhân lực, 5 năm nay, ông còn đấu thầu bảo vệ đập Vực Sụ - một công trình thủy lợi lớn để chăn nuôi cá và lấy nguồn nước tưới cho cây giống. Ngoài giá trị kinh tế, hệ thống rừng- vườn ươm và hồ đập mà đại gia đình ông đang sở hữu còn là một vùng sinh thái rất hấp dẫn.
Tác giả bài viết: Trần Đình Hà
Nguồn tin: