Tài sản của tỷ phú Colin Huang đã giảm 14,1 tỷ USD sau ngày 26/8. Ảnh: Forbes. |
Tỷ phú Colin Huang, 44 tuổi, chỉ giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc trong 18 ngày.
Cổ phiếu của PDD Holdings Inc., công ty mẹ của Temu do ông Huang sáng lập, đã giảm mạnh 14% vào ngày 26/8. Tài sản của ông Huang đã giảm 14,1 tỷ USD trong vòng một ngày. Đây là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của tỷ phú công nghệ.
Ông hiện là người giàu thứ tư ở Trung Quốc với giá trị tài sản ròng là 35,2 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.
Ngày 8/8, ông Huang đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc nhờ khối tài sản trị giá 46,9 tỷ USD. Thời điểm đó, ông đã vượt qua tỷ phú nước đóng chai Zhong Shanshan - người đã giữ vị trí này trong hơn 3 năm. Hiện tại, tỷ phú Zhong đã giành lại vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng với khối tài sản 50 tỷ USD.
Theo Bloomberg, báo cáo kinh doanh theo quý vừa được công bố của PDD là nguyên nhân chính làm giá cổ phiếu của tập đoàn giảm mạnh. Các chuyên gia còn nhận xét mô hình kinh doanh của tập đoàn là “không bền vững” và khó cạnh tranh lâu dài với các đối thủ như TikTok và Alibaba.
“Chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực và phải giải quyết nhiều vấn đề xuất phát từ bên ngoài”, ông Chen Lei, giám đốc điều hành tập đoàn, cho biết. Theo giám đốc PDD, trong năm nay, tập đoàn dự kiến không trả cổ tức hay mua lại cổ phiếu từ tay các cổ đông.
Nền tảng thương mại điện tử Temu nổi bật nhờ bán hàng giá rẻ và thường có những đợt khuyến mãi lớn. Ảnh: Zuma. |
Colin Huang thành lập PDD vào năm 2015 sau khi bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực trò chơi và thương mại điện tử. Cựu kỹ sư của Google nhanh chóng leo lên hàng ngũ những người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 71,5 tỷ USD vào năm 2021.
Temu, nền tảng thương mại điện tử trực thuộc PDD, nổi tiếng nhờ các sản phẩm giá rẻ và nhiều chương trình khuyến mãi lớn. Nền tảng này đã thu hút những người dùng có ngân sách eo hẹp và trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất nước Mỹ vào năm 2022. Trong thời hoàng kim, Temu từng thách thức những gã khổng lồ công nghệ đi trước như Shein hay Amazon.
Tuy nhiên, nền tảng này nhanh chóng gặp khó khăn khi EU đóng lỗ hổng trong các quy định về thuế nhập khẩu hàng giá rẻ được mua trực tuyến. Các nhà bán hàng Temu cũng lên tiếng phản đối khi công ty có nhiều chính sách kinh doanh “không công bằng” đối với người bán.
Tác giả: Đông Tùng
Nguồn tin: lifestyle.znews.vn