Về tăng trưởng kinh tế cả năm 2016, VEPR khẳng định mức tăng GDP dao động ở 6% - 6,3% có thể thấp hơn tùy tình hình. Tuy nhiên, không có nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng trên 6,5% bởi nhiều lĩnh vực như khai khoáng giảm do dầu thô xuất khẩu sụt giá; trong khi đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn bởi tác động của biến đổi khí hậu nhưng vẫn không có thay đổi cơ cấu kinh tế của khu vực này.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, việc nới room tăng trưởng tín dụng, đẩy tiền ra ngoài hệ thống để đạt mức tăng trưởng theo mục tiêu kỳ vọng như thời gian trước đó là không hiệu quả, phản tác dụng.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nói: "Nếu Ngân hàng Nhà nước ép tăng trưởng tín dụng, tung tiền ra nhiều trong quý 4 để giúp tăng trưởng, sẽ xáo trộn thị trường và ảnh hướng tới lạm phát có thể lạm phát tăng nhanh. Đây là biện pháp đã và đang được áp dụng trong thời gian trước. Tuy nhiên không bền vững và không đạt hiệu quả cao".
Về ngân sách, ông Thành cho hay, từ nay đến cuối năm ngân sách thu được bị giảm so với dự toán rất nhiều, do đó bội chi rất tăng. Hiện Bộ Tài chính vẫn áp dụng kế hoạch thu - chi ngân sách theo mức dự báo tăng trưởng 6,7%. Khi tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 6% thì thu ngân sách cũng chỉ tăng 6%.
"Điều đáng buồn là khi tăng trưởng không đạt mục tiêu, dự toán thu chi đã được lập ra rồi, không ai chịu giảm cả. Để đáp ứng chi của ngân sách, bắt buộc phải phấn đấu tăng trưởng bằng nhiều cách như tăng tín dụng và tận dụng các loại thuế phí khác. Đây là biện pháp cũ, không hiệu quả mà còn phản tác dụng do làm gia tăng lạm phát...", đại diện VEPR cho hay.
Theo VEPR, trong thời gian qua, tín dụng huy động trong dân rất tốt nhưng tín dụng cho vay ra lại tăng chậm làm dư thừa tiền khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh và sâu. Dự báo lãi suất sẽ giảm cả huy động đi cùng khuynh hướng hỗ trợ tăng so với quý III.
Đại diện VEPR cho biết, quý IV, cần thận trọng hơn về chính sách tiền tệ, tính đến hết quý III mà mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đạt 16-18%. Thâm hụt ngân sách sẽ vượt trần một lần nữa, khả năng vượt 5% sẽ kéo theo nợ công sẽ gia tăng. Kinh nghiệm là chính phủ phải khiêm tốn hơn trong đặt mục tiêu tăng trưởng, hệ quả trực tiếp đến ngân sách. Chúng ta cần kỉ luật ngân sách chặt chẽ. Nên đặt mục tiêu thấp hơn tăng trưởng thực, để thắt chặt kỉ luật chi tiêu.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,3% - 6,5% là rất khó có thể đạt được. Nếu muốn đạt mức tăng trưởng 6,3% tăng trưởng quý IV phải tăng từ hơn 7% đến 8%.
Theo ông Tuyển, hiện các ngân hàng giảm lãi suất huy động ngắn hạn không phản ánh đầy đủ bức tranh về nền kinh tế. Các ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động, ngân hàng nhỏ lại huy động đến 7% dài hạn, không chuyển thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, không nên tận dụng đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng bởi như thế sẽ làm gia tăng lạm phát, không hiệu quả về mặt chính sách.
"Chúng ta có quá nhiều gói lãi suất, nhưng nhiều chính sách chèn vào mức cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi tạo ra việc làm và tăng trưởng GDP khiến mức lãi suất cao. Tăng trưởng thì người dân có thể không biết nhưng lạm phát họ cảm nhận được ngay, vì vậy phải giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát nếu không sẽ mất lòng tin vào thị trường. Do đó, theo tôi chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6% thôi nhằm kiềm chế lạm phát bởi đây là mục tiêu rất quan trọng", ông Tuyển cho hay.
Theo ông Tuyển, đã đến lúc cần xem biến đối khí hậu là một thách thức chính sách và cân nhắc trong tăng trưởng. Chừng nào đó phải chấp nhận nông nghiệp giảm, phải chấp nhận tái cơ cấu ngành này để đổi lấy tăng trưởng dài hạn, bền vững bằng việc thay đổi cây, con, không chỉ phụ thuộc vào trồng lúa, đừng bắt người dân phải trồng lúa trong khi giá trị gia tăng rất thấp.
Chuyên gia Kinh tế, TS Nguyễn Đình Ánh cũng nhìn nhận, diễn biến kinh tế thế giới quý III không thuận cho Việt Nam trong giai đoạn này. Trong khi, Việt Nam hiện nay vẫn trông đợi vào xuất khẩu. Diễn biến đặc biệt của thị trường thế giới là giảm giá rất mạnh nguyên liệu.
"Samsung thu hồi hàng triệu điện thoại, thiệt hại chỉ ra hàng tỷ USD rồi không biết có phải xuất phát từ Thái Nguyên hay Bắc Ninh hay không. Mỗi biến động của Samsung có tác động rất lớn tới Việt Nam bởi 3 năm nay, kinh tế của Việt Nam đã có sự phụ thuộc vào DN này trong xuất nhập khẩu và đóng góp các khoản thuế", ông Ánh cho biết.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: