Du lịch

Tục làm 'đám cưới ma' cho những đứa trẻ đã chết ở Ấn Độ

Nhiều gia đình Ấn Độ tin rằng tổ chức đám cưới cho những đứa trẻ đã qua đời sẽ giúp các thành viên còn lại trong nhà sống yên ổn hơn.

Hình nộm của cô dâu Sukanya và chú rể Ramesh trong đám cưới ma. Ảnh: CEN

Ramesh và Sukanya là cô dâu và chú rể trong tập tục kỳ lạ Pretha Kalyanam vừa diễn ra ở Perla, bang Kerala, Ấn Độ, nơi những đứa trẻ đã qua đời sẽ thành vợ chồng nhờ "đám cưới ma". Tại đám cưới, bố mẹ hai đứa trẻ làm những hình nộm bằng vải trông giống Ramesh và Sukanya khi trưởng thành rồi cử hành các thủ tục giống như đám cưới thật để chúng được thành thân.

Saji Rag, một vị khách mời đám cưới, nói: "Thường thì sau khi các thủ tục cưới xin đã kết thúc, cô dâu chú rể sẽ đi một vòng quanh đền. Nhưng trong đám cưới này, anh trai của cô dâu sẽ cầm hình nộm của chúng đi quanh cây pala".

Theo Mirror, cả Ramesh và Sukanya đều đã qua đời cách đây vài năm. Gia đình hai bên được cho là đã đi xem tử vi để xem hai đứa trẻ có hợp nhau không trước khi tiến hành "đám cưới ma". Hai hình nộm, làm bằng cỏ khô và vải, được mặc trang phục cưới truyền thống mà các cặp nam nữ vẫn thường mặc trong lễ cưới. Sau đó, hai bên gia đình sẽ có bữa ăn chung trước khi để linh hồn các con được yên nghỉ.

Tuy không còn phổ biến ở Ấn Độ nhưng những đám cưới ma vẫn thi thoảng diễn ra và vấp phải sự phản đối của người dân. Mới đây, một cậu học sinh tên B. Sreelakshmi đã viết bài nghị luận bày tỏ quan điểm cá nhân về hủ tục này.

"Giả sử một thai nhi bị bỏ đi khi còn trong bụng, hay một đứa trẻ sinh ra chẳng may qua đời. Mấy năm sau, những đứa trẻ trong gia đình gặp vài khó khăn trong cuộc sống, chẳng hạn như hôn nhân bị cản trở hay khó có con. Người nhà lúc đó sẽ tìm đến các nhà chiêm tinh và được thông báo rằng linh hồn đứa trẻ đã qua đời từ mấy năm trước vẫn chưa siêu thoát. Cách duy nhất để cho chúng được yên nghỉ là tổ chức đám cưới cho chúng do chúng đã phải rời khỏi thế giới này khi chưa kịp trải nghiệm niềm vui trần thế.

Các gia đình tin rằng một khi "đám cưới ma" được tiến hành, những điều xui xẻo cũng sẽ tan biến và họ sẽ tìm được sự yên ổn, thành công trong cuộc sống. Nhưng khi nhìn lại chuyện này một cách nghiêm túc, nó thực sự chẳng khác gì một trò chơi tâm lý", Sreelakshmi viết, đồng thời cho hay nhiều người trẻ Ấn Độ xem đây là một hành động mê tín dị đoan.

Tác giả: PV

Nguồn tin: ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP