Chị Phượng trong trang trại dúi của mình. Ảnh: Mạnh Cường
Năm 2010, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng, thay vì kiếm một công việc nhẹ nhàng như bao người khác, chị Phượng (28 tuổi, thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) lại trở về quê đầu tư chuồng trại nuôi dúi rừng. “Khi còn là một sinh viên, đăng ký đề tài làm khóa luận, mình được thầy cô giáo cho tìm hiểu về đặc tính của loài dúi. Sau thời gian tìm hiểu để hoàn thành khóa luận, mình thấy dúi cũng hiền, lại dễ nuôi. Kết thúc đề tài làm khóa luận, đích thân mình ra ngoài bắc mua 10 cặp giống dúi rừng bố mẹ sinh sản đã được thuần phục với giá 15 triệu đồng về nuôi thử nghiệm”, chị Phượng nói về cơ duyên đến với nghề nuôi dúi.
Cũng theo chị Phượng, trong quá trình vận chuyển 10 cặp dúi do đường xa, gặp khó khăn nên về tới nhà dúi chết dần, chỉ còn 2 con. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, 2 con dúi đã sinh được 6 con. Lấy động lực từ đó, chị dần dần mở rộng mô hình, xây dựng chuồng trại và tiếp tục mua thêm giống để đẩy nhanh số lượng đàn. Đến nay, số dúi tại chuồng của chị luôn dao động từ 200 - 250 con, trong đó có 70 cặp dúi bố mẹ. Dúi mẹ một năm sinh sản 3 lứa, một lứa 3 - 5 con.
Trong chuồng nuôi rộng hơn 100 m2, được xây từng ô nhỏ để dúi trú ẩn. Nhìn hàng trăm con dúi đang nằm ngủ say, chị Phượng chia sẻ: “Đặc tính của dúi là ăn đêm ngủ ngày nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Cái đặc biệt nhất của dúi là phân nó y như mùn cưa nên không có mùi hôi tanh. Vì vậy, ở đâu cũng nuôi được chứ không cần ở khu dân cư thưa”.
Dúi nuôi trong vòng 6 tháng là có thể xuất bán thương phẩm với trọng lượng từ 1 - 1,5 kg, giá từ 400.000 - 450.000 đồng/kg. Hiện nay, mỗi ngày trang trại của chị Phượng cung cấp ra thị trường hơn 15 con dúi với gần 20 kg thịt, chưa kể số lượng con giống bán ra. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi dúi giúp chị thu về hơn 200 triệu đồng/năm.
“Dúi là loài động vật gặm nhấm nên thức ăn chủ yếu là ngô, mía, lá tre, thân cỏ..., có thể tự trồng nên chủ động được lại ít tốn kém. Dúi nuôi càng lâu thì thịt sẽ săn chắc và thơm ngon. Không nên cho dúi ăn tinh bột, vì ăn tinh bột mỡ nhiều sẽ làm cho thịt dúi mất hết vị, thịt không còn ngon nữa”, chị Phượng lưu ý và cho biết thêm nuôi dúi sinh sản là phải khép kín, không để người lạ vào. Vì dúi có một đặc tính xấu là sau khi đẻ, trong vòng một tuần trở lại mà có người ra vào, gặp hơi lạ là dúi mẹ quay ra cắn con cho đến chết.
Năm 2013, chị Phượng liên kết nhiều hộ chăn nuôi khác để mở rộng mô hình nuôi dúi. Theo đó, chị đứng ra cung cấp con giống và đảm bảo thu mua thương phẩm cho bà con. Đến nay, mô hình đã có hàng chục trại nuôi, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Tác giả bài viết: Mạnh Cường