Kinh tế

Từ chối vay Trung Quốc 7.000 tỷ: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái giờ ra sao?

UBND tỉnh Quảng Ninh từng từ chối vay 7.000 tỷ của Trung Quốc để đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thay vào đó, Quảng Ninh muốn đầu tư theo hình thức BOT. Đến nay, dự án này vẫn đang trong quá trình bàn thảo và xây dựng phương án đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát lại cách tính suất vốn đầu tư, phương án thiết kế, quy mô đầu tư, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BOT (sau khi từ chối vay 7.000 tỷ của Trung Quốc). Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư 13.444 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng 2.558 tỷ đồng.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đầu tư theo hình thức BOT

Đây là dự án đầu tư nhóm A, quy mô đầu tư 4 làn xe, có chiều dài toàn tuyến khoảng 90km, tốc độ thiết kế 100km/giờ. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn, kết nối các tỉnh ven biển và các tỉnh miền núi phía Bắc với các khu kinh tế, khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng,... trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Về tổng mức đầu tư dự án, Bộ KH-ĐT cho rằng: Theo quyết định 706/QĐ-BXD năm 2017, suất vốn đầu tư cao tốc 4 làn xe là 122,9 tỷ đồng/km và định mức chi phí xây dựng hơn 100 tỷ đồng/km. Suất vốn đầu tư này chưa bao gồm các chi phí xử lý có tính riêng biệt của mỗi dự án, như chi phí xử lý nền đất yếu, các công trình kiên cố đặc biệt.

Trong khi đó, trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được tỉnh Quảng Ninh gửi đến Bộ KH-ĐT, suất đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được tính toán 146,69 tỷ đồng/km, cao hơn tại quyết định của Bộ Xây dựng khoảng 24 tỷ đồng/km.

Vì vậy, Bộ KH-ĐT đã đề nghị tỉnh Quảng Ninh rà soát lại cách tính suất đầu tư dự án, phương án thiết kế, quy mô vốn đầu tư dự án cho hợp lý, bảo đảm hiệu quả đầu tư, phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật được Bộ Xây dựng công bố.

Trong trường hợp vì lý do dự án có tính riêng biệt, điều kiện địa hình, vận chuyển đặc biệt khó khăn, đề nghị cần nêu rõ trong thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi, hoặc phụ lục kèm theo. Hơn nữa, hợp đồng BOT dự án cần quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng công trình khi chi phí thực tế lớn hơn tổng mức đầu tư ước tính.

Bộ KH-ĐT cho biết, thuyết minh báo cáo nghiên cứu dự án đã nêu kết quả tính toán các chỉ tiêu tài chính dự án gồm 2 phương án, nhưng chưa kiến nghị lựa chọn phương án cụ thể. Bộ này đề nghị báo cáo nghiên cứu khả thi cần đề xuất, lựa chọn một phương án cụ thể, để có cơ sở lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư BOT thực hiện cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Mặt khác, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần tham khảo thêm mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại tại thời điểm đàm phán hợp đồng, bảo đảm nguyên tắc lãi suất vốn vay thực hiện dự án không vượt quá lãi suất trung bình cho vay trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước theo quy định tại Thông tư 75/2017/TT-BTC. Khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư trúng thầu.

Bộ KH-ĐT cũng đề nghị hợp đồng dự án BOT Vân Đồn - Móng Cái không quy định nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo lãnh doanh thu tối thiểu, do việc thực hiện nghĩa vụ này sẽ tạo nhiều rủi ro cho Chính phủ, khó khả thi trong việc bảo đảm thực hiện.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP