Nạn nhân Ankita đã qua đời. Ảnh: India Today. |
Cụ thể, cảnh sát cho biết, nạn nhân là Ankita, 19 tuổi, là học sinh lớp 12 tại huyện Dumka thuộc bang Jharkhand. Còn nghi phạm là người sống cùng khu vực, đã đổ dầu hỏa qua cửa sổ lên người nạn nhân khi cô đang ngủ trong nhà hôm 23/8. Nạn nhân tử vong tại bệnh viện hôm 28/8 do vết bỏng quá nặng.
“Hai quan chức cấp cao đã được triển khai đến thị trấn và họ sẽ phối hợp với cảnh sát trưởng quận trong cuộc điều tra”, ông Amol V. Homkar, người phát ngôn của cảnh sát Jharkhand nói, đồng thời cho biết thêm rằng bị can và một đồng phạm đã bị bắt.
Trong khi đó, các tổ chức Hindu giáo cứng rắn tại Ấn Độ đã kêu gọi xử tử hình nghi phạm - vốn là người Hồi giáo - trong khi nạn nhân theo đạo Hindu. Tổ chức Vishva Hindu Parishad tuyên bố đa số cộng đồng Hindu giáo sẽ xuống đường biểu tình nếu giới chức không hành động đúng mức.
Cựu Thống đốc Jharkhand Raghubar Das của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) tuyên bố chính quyền bang “thiếu nhạy cảm”. “Đảng BJP sẽ xuống đường nếu yêu cầu không được đáp ứng”, ông Das tuyên bố.
“Cái chết của cô ấy đã khiến mọi người Ấn Độ cúi đầu xấu hổ”, ông Rahul Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc đại Ấn Độ, viết trên Twitter. “Cần thiết lập môi trường an toàn cho phụ nữ trên khắp đất nước”.
Trước đó ít ngày, trong một vụ việc khác, hàng trăm người đã biểu tình yêu cầu chính quyền bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, thu hồi quyết định ân xá 11 tội phạm cưỡng hiếp một phụ nữ Hồi giáo vào năm 2002.
Những người biểu tình ở thủ đô New Delhi đã hô vang khẩu hiệu yêu cầu chính quyền bang Gujarat hủy bỏ quyết định này. Họ cũng hát những bài hát bày tỏ sự cảm thông với nạn nhân. Nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức ở một số bang khác.
11 người đàn ông đã được thả khỏi nhà tù Pachmahals tại bang Gujarat vào ngày 15/8, khi Ấn Độ kỷ niệm 75 năm ngày độc lập khỏi sự thống trị của thực dân Anh.
Nạn nhân trong vụ cưỡng hiếp, hiện 40 tuổi, cho biết quyết định của chính quyền bang Gujarat đã khiến cô chết lặng và mất niềm tin vào công lý. Nạn nhân đang mang thai khi bị cưỡng hiếp tập thể.
Các quan chức ở Gujaratmcho biết đơn xin ân xá của 11 tội phạm này được chấp thuận vì họ đã chấp hành hơn 14 năm tù. Những người đàn ông đủ điều kiện trả tự do theo chính sách miễn trừ năm 1992, có hiệu lực vào thời điểm họ bị kết án.
Tác giả: Mộc Miên
Nguồn tin: ĐSPL/NĐT