Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, vừa được trao tặng danh hiệu Quả cầu vàng 2018 lĩnh vực công nghệ môi trường do có nhiều đóng góp và nỗ lực trong suốt quá trình nghiên cứu, giảng dạy nhiều năm liền.
Miệt mài nghiên cứu
Ở độ tuổi 35, TS Phương Thùy đang sở hữu 17 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, 1 bài báo khoa học là tác giả chính đã công bố trên tạp chí trong nước, 1 báo cáo poster xuất sắc của Hội nghị Công nghệ Hóa học (Hàn Quốc, năm 2007). Nữ giảng viên này còn là tác giả chính 1 chương sách chuyên khảo xuất bản quốc tế, đồng tác giả 1 giải pháp hữu ích chứng nhận tại Hàn Quốc, thành viên 1 đề tài cấp bộ đang được triển khai. TS Phương Thùy cũng từng đoạt giải thưởng Bài báo SCI được trích dẫn nhiều nhất trong 5 năm (2009-2013) của tạp chí Water Research.
Nói về nghiên cứu tâm đắc nhất từ trước đến nay của mình, TS Phương Thùy cho biết đó là nghiên cứu chuyển hóa chất thải rắn từ chất thải hữu cơ. Nói nôm na, nghiên cứu này nhằm chuyển thức ăn thừa thành than, dầu thay vì phân bón như cách thông thường hiện nay, mang lại lợi ích lớn hơn.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy (bìa trái) trao đổi cùng sinh viên |
Nghiên cứu trên xuất phát từ sự trăn trở về tình trạng rác thải hữu cơ thừa mứa hiện nay chưa được tái chế hiệu quả. "Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng trong khi nhiên liệu như than, dầu ngày càng cạn kiệt, đắt đỏ. Than từ chất thải hữu cơ sẽ giảm gánh nặng cho môi trường, lại đem lại thu nhập cho nhiều người" - TS Phương Thùy giải thích. Không những thế, nghiên cứu này khi đưa vào thực tế sẽ nâng cao ý thức người dân về tăng cường sử dụng năng lượng mới tái tạo.
Nữ giảng viên cho biết tuy hiện nay, giá thành loại than này chưa cạnh tranh với những loại than công nghiệp nhưng trong tương lai, khi nhiên liệu cạn kiệt, đây là giải pháp lý tưởng. Do đó, cần có nhiều hướng nghiên cứu rộng rãi hơn để giúp đưa nhiên liệu này ra thị trường với giá cạnh tranh.
TS Phương Thùy và người bạn đời làm cùng ngành đang theo đuổi đề tài nghiên cứu cấp bộ về hiện trạng kháng sinh trong nước. Đề tài này tìm hiểu thói quen dùng kháng sinh hiện nay ở nước ta - vốn chưa hợp lý, không theo chỉ định của bác sĩ, khiến một lượng dư thừa được đào thải vào môi trường, dẫn đến các vi khuẩn kháng kháng sinh được phát hiện trong tự nhiên với tần số ngày càng cao.
Hậu quả, nhiều loại kháng sinh không tác dụng trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn khiến bệnh nhân kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị cũng như có thể nguy hiểm đến tính mạng. Từ kết quả nghiên cứu này, các cơ quan, ban ngành sẽ đưa ra những giải pháp kịp thời để giảm thiểu và kiểm soát vấn đề kháng kháng sinh.
Về nước vì ước mơ nghề giáo
Năm 2005, Phương Thùy tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bách khoa TP HCM, rồi săn học bổng du học thạc sĩ và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Hàn Quốc. Là người có tinh thần học hỏi cao, chị nhanh chóng chọn được cho mình công việc nghiên cứu ở ĐHQG Singapore.
Lúc này, nữ tiến sĩ đã lập gia đình, có 2 con nhỏ và tận hưởng cuộc sống đủ đầy ở nước bạn với mức lương gần 100 triệu đồng, công việc ổn định, môi trường trong sạch, thực phẩm an toàn... Tuy nhiên, vì mơ ước được đứng lớp giảng dạy, đem những kiến thức, công nghệ nước bạn truyền đạt cho sinh viên Việt Nam, chị đã quyết định về nước.
Nữ giảng viên kể thời gian đầu về nước, chị cảm thấy rất bỡ ngỡ vì điều kiện nghiên cứu không được thuận lợi so với nước bạn. "Ở các nước, chỉ cần mình có ý tưởng thôi là sẽ được tạo điều kiện về kinh phí, thiết bị, nguồn tài liệu tham khảo… nhằm phục vụ đề tài đó. Về nước, mọi thứ trở nên ngược lại, nhắm cái gì có thể thực hiện được mới làm. Đó cũng là khó khăn chung của những nhà nghiên cứu trong nước" - chị tâm sự.
TS Phương Thùy nhận định so với 10 năm trước, một số trường ĐH lớn, viện nghiên cứu đã đầu tư các máy móc hiện đại. Tuy nhiên, do máy đắt tiền nên thường được giao cho cấp quản lý nào đó, dẫn đến việc sử dụng còn hạn chế, khiến những người nghiên cứu không thể tiếp cận dễ dàng như ở nước ngoài. Chị cũng trăn trở về nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu còn hạn hẹp nên việc xin đề tài các cấp không dễ dàng cho những người nghiên cứu trẻ.
Nói về công việc hiện tại ở Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, nữ giảng viên đoạt giải Quả cầu vàng 2018 khẳng định chị chưa từng hối tiếc vì bỏ qua những cơ hội khác để về nước giảng dạy. Tuy thu nhập không cao bằng nước ngoài nhưng mức lương đủ sống, chị được gần gia đình, cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu, giảng dạy. Theo TS Phương Thùy, tiếp xúc sinh viên hằng ngày giúp tâm hồn chị trẻ trung, cởi mở, yêu đời hơn…
Trăn trở về giáo trình 4.0 TS Phạm Thị Phương Thùy nêu thực tế hiện nay, giáo trình ĐH còn lạc hậu so với thế giới, không được cập nhật, bổ sung đầy đủ kiến thức mới khiến việc đào tạo gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều môn học cần giảm lý thuyết, tăng thực hành thì chương trình chưa được đáp ứng. "Chúng ta đang bước vào thời công nghệ 4.0 nhưng nhiều cuốn giáo trình được soạn từ năm 2000 vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến khả năng làm việc của sinh viên sau khi ra trường" - chị trăn trở. |
Tác giả: LÊ THOA
Nguồn tin: Báo Người lao động