Trần Hiếu |
Dù đã vào năm học nhưng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai vẫn thiếu bóng sinh viên (SV). Ngôi trường rộng thênh thang, đủ chỗ cho hàng ngàn SV với nhiều giảng đường đang bỏ không. Năm học 2019 - 2020, trường chỉ tuyển sinh được hơn 90 SV, chủ yếu ngành mầm non, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh trên 300.
Tình cảnh đáng buồn này không chỉ diễn ra trong niên học này mà đã từ nhiều năm nay. Số SV cứ giảm dần theo từng năm.
Mới đây, tiến sĩ Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng của trường, đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai giải quyết chế độ cho nghỉ sớm trước 3 năm vì lý do sức khỏe (!?). Trường đã rối lại càng rối khi thiếu nhân sự chủ chốt trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng. Hơn 110 cán bộ, giảng viên của trường như ngồi trên lửa khi tỉnh Gia Lai vẫn chưa có những quyết sách quyết liệt về mặt chiến lược cho trường.
Ngày 9.9, Sở GD-ĐT Gia Lai đã có công văn chỉ đạo trường đưa giảng viên đi biệt phái tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Tư Sơn, Giám đốc sở này, cho biết: “Sở đã xây dựng đề án thành lập Trường THCS & THPT Lý Thái Tổ, công lập tự chủ đặt tại Trường CĐ Sư phạm. Trong thời gian chờ ý kiến của UBND tỉnh Gia Lai đồng ý quyết định thành lập trường, cũng như giải quyết việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên tại các trường THPT, Sở chỉ đạo trường cử giáo viên đi biệt phái xuống giảng dạy tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh”.
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT Gia Lai, trường phải chọn ra 28 giảng viên đi biệt phái tại gần 20 trường THPT với thời gian 1 năm (9.2019 - 6.2020). Các giảng viên đi biệt phái có khả năng phải đi những huyện xa nhất của Gia Lai, khoảng 130 - 140 km. Nhiều giảng viên có thái độ bất bình nên đến nay quá trình này vẫn chưa xong.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, cho biết: “Trường hiện cũng đang trong cảnh khó khăn về nhiều vấn đề như sử dụng nhân sự, công tác tuyển sinh… Hiện có hơn 2.000 tiết dư giờ của giảng viên từ năm học 2016 - 2017 chưa được thanh toán vì kiểm toán kết luận không hợp lệ trong việc chi trả, dù việc dư giờ là hoàn toàn đúng. Số tiền được thanh toán chỉ trên dưới 200 triệu đồng nhưng đã khiến giảng viên bức xúc. Họ nói rằng vậy thì không cần thanh toán nữa, họ bỏ luôn và lấy lại điểm mà mình đã chấm cho SV”.
Dù số lượng SV sụt giảm nghiêm trọng qua từng năm học nhưng từ năm 2016 - 2018, tỉnh Gia Lai vẫn tiếp tục cấp vốn với số tiền gần 10 tỉ đồng để xây dựng thêm một dãy giảng đường. Dư luận cho rằng đây là sự lãng phí. Những ngày này có mặt tại trường, chúng tôi chứng kiến một quang cảnh đìu hiu. Ngay cả cánh cổng kéo của trường bị hư, nhìn lem nhem nhưng chẳng có ai sửa.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng như lãnh đạo trường cùng các cơ quan liên quan. Song cho đến nay, mọi việc vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa.
Tác giả: Trần Hiếu
Nguồn tin: Báo Thanh niên