Giáo dục

Trường liên cấp quốc tế Singapore nhận số học sinh quá quy định

Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết vừa có kết luận thanh tra công tác quản lý và tổ chức hoạt động dạy học tại Trường liên cấp quốc tế (LCQT) Singapore (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Trường LCQT Singapore Đà Nẵng

Theo Kết luận số 3276/KL-SGDĐT, cơ sở vật chất, thiết bị của trường này cơ bản đảm bảo theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Tuy vậy, biển trường chưa ghi đúng tên Trường “Singapore International School at DaNang”, chưa ghi tên trường bằng Tiếng Việt “Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng”, theo Quyết định số 3657/QĐ-UBND ngày 5/6/2014 của Chủ tịch UBND Đà Nẵng, được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 và điểm g khoản 3 Điều 36 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Về tiếp nhận học sinh Việt Nam, năm học 2019 - 2020, Trường có 268 trẻ em, học sinh; trong đó có 139 trẻ em, học sinh Việt Nam, chiếm tỷ lệ 51,9%. Đối với giáo dục mầm non, trẻ em Việt Nam chiếm tỷ lệ 56,8% (63/111); đối với giáo dục phổ thông, học sinh phổ thông Việt Nam chiếm tỷ lệ 48,4% (76/157). “Như vậy, Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng tiếp nhận học sinh Việt Nam vượt quá quy định tại Điều 39 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP”, kết luận Thanh tra nêu rõ.

Từ kết luận trên, Thanh tra Sở yêu cầu Trường LCQT Singapore tại Đà Nẵng khắc phục các hạn chế: Sửa đổi biển trường, ghi rõ tên trường theo đúng tên được thành lập trong Quyết định số 3657/QĐ-UBND; Kể từ năm học 2019 - 2020 và những năm học tiếp theo, điều tiết giảm tiếp nhận đối với trẻ em Việt Nam để đảm bảo số học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại Trường theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Sở cũng yêu cầu trong khi chờ văn bản của Bộ GD&ĐT quy định nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập tại Trường, Trường tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai chương trình Việt Nam học dành cho học sinh cấp THCS và THPT trên cơ sở tham vấn từ Phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT.

Trước đó, như PLVN đã thông tin, thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) cùng một số phụ huynh phản ánh việc Trường học trên “lạm thu”. Vào đầu năm học, phụ huynh đã đóng trước 100% tất cả các khoản gồm phí ghi danh, học phí, học phí song ngữ, tiền ăn bán trú… nhưng nhà trường còn tự ý đặt ra một khoản phí gọi là “phí đặt cọc” năm học 2019 - 2020 với số tiền 8 triệu đồng/học sinh.

Theo phản ánh của phụ huynh, khoản tiền đặt cọc này sẽ chỉ hoàn trả khi học sinh thôi học tại Trường. Trong khi nhiều học sinh học đến lớp 12. Như vậy, nhà trường đã thu và chiếm dụng vốn của các phụ huynh trong một thời gian dài.

Đặc biệt, vào cuối tháng 8 vừa qua, ông Tuấn và một số phụ huynh đã khởi kiện Chi nhánh Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam, đơn vị quản lý, điều hành Trường LCQT Singapore tại Đà Nẵng ra tòa vì cho rằng đơn vị này tự ý thu khoản phí đặt cọc không đúng quy định. Sau đó, phía Chi nhánh Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, không tiếp nhận con của những phụ huynh đứng đơn khởi kiện. Hiện vụ việc đang được TAND quận Ngũ Hành Sơn thụ lý.

Ngoài ra, giữa tháng 9/2019, ông Tuấn cũng đã gửi đơn tố giác về hành vi trốn thuế của Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng tới Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng; Cục Thuế TP Đà Nẵng và Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn.

Tác giả: Vũ Vân Anh

Nguồn tin: Báo Bảo vệ pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP